Acid acetic là gì?
- Acid acetic, hay acid ethanoic là một chất lỏng không màu và là acid hợp chất hữu cơ với công thức hóa học CH3COOH (cũng viết là CH3CO2H, C2H4O2, hoặc HC2H3O2). Giấm có tối thiểu 4% acid acetic theo thể tích. Điều đó khiến acid acetic là thành phần chính trong giấm ngoài nước.
----------------------------------------------------
Công dụng
- Nhiễm trùng bề mặt ống tai ngoài gây bởi các vi khuẩn nhạy cảm với chất kháng khuẩn;
- Phục hồi, duy trì mức acid sinh lý của âm đạo;
- Rửa bàng quang giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn tiết niệu nhạy cảm (đặc biệt là các loại vi khuẩn sinh amoniac) ở người bệnh đặt ống thông niệu đạo trong thời gian dài;
- Rửa ống thông niệu đạo.
Liều dùng
- Liều thuốc Acetic acid phụ thuộc vào dạng bào chế và độ tuổi người bệnh. Theo đó, liều dùng khuyến cáo đối với từng dạng bào chế như sau:
- Người trưởng thành:
- Dung dịch xịt tai: Liều thuốc khuyến cáo là 1 liều xịt (60mg) ở bên tai điều trị, xịt ít nhất 3 lần/ngày (sáng, trưa, tối). Liều thuốc tối đa không quá 1 lần xịt mỗi 2 – 3 giờ. Sau khi các triệu chứng đã hết, người bệnh nên duy trì dùng thuốc thêm 2 ngày, tổng thời gian điều trị không quá 7 ngày.
- Dung dịch nhỏ tai: Liều thuốc khuyến cáo là 5 giọt/lần x 3 – 4 lần/ngày;
- Gel bôi âm đạo: Bôi một lượng thuốc vừa đủ vào buổi sáng và tối;
- Dung dịch rửa bàng quang: Rửa liên tục hoặc ngắt quãng khoảng 500 – 1500mL thuốc mỗi 24 giờ. Đối với trường hợp rửa ống thông niệu đạo, dùng 500mL thuốc cho mỗi lần rửa.
- Trẻ em:
- Dung dịch xịt tai: Liều dùng đối với trẻ em trên 12 tuổi tương tự người trưởng thành;
- Dung dịch nhỏ tai: Trẻ em từ 3 tuổi trở lên nhỏ 3 – 4 giọt/lần x 3 – 4 lần/ngày.
Cách dùng Acetic Acid
- Đối với dạng thuốc Acetic acid là dung dịch xịt tai:
- Trong lần đầu tiên sử dụng thuốc, người bệnh nên ấn vòi bơm khoảng 6 – 10 lần đến khi dung dịch phun ra dạng hạt mịn đồng đều;
- Thuốc được dùng trong vòng 30 ngày từ ngày mở nắp;
- Trường hợp hơn 1 tuần kể từ lần dùng thuốc cuối cùng mới dùng lại, người bệnh cần loại bỏ phần thuốc còn tồn tại trong buồng bơm bằng cách ấn vòi bơm 1 hoặc 2 lần.
- Đối với dạng thuốc là dung dịch nhỏ tai:
- Trước khi dùng thuốc, người bệnh nên loại bỏ ráy tai để giúp thuốc tiếp xúc được trực tiếp lên bề mặt bị nhiễm khuẩn;
- Thấm ướt bông bằng dung dịch thuốc, sau đó nhét bông vào ống tai ngoài;
- Giữ bông trong tai ít nhất 24 giờ, giữ ẩm bông bằng cách nhỏ 3 – 5 giọt thuốc cách 4 – 6 giờ;
- Sau 24 giờ, người bệnh nên gỡ bông xuống. Tiếp tục nhỏ 5 giọt thuốc vào mỗi bên tai khoảng 3 – 4 lần/ngày theo thời gian chỉ định của bác sĩ;
- Người bệnh không chạm đầu nhỏ thuốc vào tai hoặc bất kỳ bề mặt nào, bởi điều này có thể dẫn đến nhiễm khuẩn thuốc. Lưu ý lau sạch đầu thuốc bằng khăn giấy sạch sau khi nhỏ, không rửa với nước hay xà phòng.
- Đối với dạng thuốc là gel bôi âm đạo:
- Người bệnh cần rửa sạch tay trước và sau khi sử dụng thuốc;
- Người bệnh có thể sử dụng băng vệ sinh để giúp ngăn cản thuốc làm bẩn áo quần, không sử dụng tampon.
- Đối với dạng thuốc là dung dịch rửa bàng quang được sử dụng với sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Tác dụng phụ Acetic Acid
- Acetic acid có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Tác dụng phụ thường gặp: Bỏng, ngứa thoáng qua sau khi dùng thuốc vài ngày đầu;
- Tác dụng phụ hiếm gặp: Kích ứng tại chỗ;
- Tác dụng phụ không xác định tần số: Nhiễm toan toàn thân, tiểu ra máu và đau có thể gặp ở dạng thuốc là dung dịch tưới bàng quang.
Chống chỉ định
- Chống chỉ định sử dụng thuốc Acetic acid trong các trường hợp sau:
- Người có tiền sử quá mẫn nghiêm trọng với acetic acid;
- Người bệnh bị thủng màng nhĩ;
- Người bệnh đang thực hiện phẫu thuật nội soi tiết niệu.
Lưu ý khi sử dụng
- Đối với bất kỳ dạng thuốc nào của Acetic acid, người bệnh cũng đều cần ngưng sử dụng khi xảy ra hiện tượng dị ứng, mẫn cảm.
- Không điều trị bằng thuốc quá 7 ngày, không xịt thuốc gần mắt.
- Trong thời gian điều trị bằng thuốc Acetic Acid nếu người bệnh gặp một trong các triệu chứng như suy giảm thính giác, đau tai, triệu chứng bệnh trở nên xấu hơn hoặc không cải thiện sau 48 giờ điều trị thì cần ngưng sử dụng thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.
- Khuyến cáo không sử dụng dạng thuốc xịt ở trẻ em dưới 12 tuổi và dạng nhỏ tai ở trẻ em dưới 3 tuổi. Người bệnh có thể gặp phải cảm giác bỏng rát, châm chích thoáng qua ở những lần đầu dùng thuốc điều trị viêm tai cấp tính.
- Đối với dạng thuốc là dung dịch rửa bàng quang có thể gây kích thích vết thương khi dùng ở người bệnh đang bị tổn thương niêm mạc bàng quang. Thuốc cần được sử dụng ngay khi mở nắp chai để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, loại bỏ phần dung dịch còn dư sau khi sử dụng.
- Đối với phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả cũng như độ an toàn khi sử dụng thuốc nhỏ tai, xịt tai ở phụ nữ đang mang thai. Đối với dạng thuốc là gel bôi âm đạo, dung dịch rửa bàng quang chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết.
- Đối với phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả cũng như độ an toàn khi sử dụng thuốc trên đối tượng này.