Carbimazol là gì?
- Carbimazol là một thuốc kháng giáp, dẫn chất thioimidazol (imidazol có lưu huỳnh).
----------------------------------------------------
Chỉ định
- Điều trị triệu chứng cường giáp (kể cả bệnh Graves-Basedow).
- Điều trị trước khi phẫu thuật tuyến giáp do cường giáp, cho tới khi chuyển hoá cơ bản bình thường, để đề phòng cơn nhiễm độc giáp có thể xảy ra khi cắt bỏ tuyến giáp bán phần.
- Điều trị bổ trợ trước và trong khi điều trị iod phóng xạ (131I ) cho tới khi liệu pháp này có tác dụng loại bỏ tuyến giáp.
- Điều trị cơn nhiễm độc giáp (nhưng propylthiouracil thường được chỉ định hơn) trước khi dùng muối iod. Thường dùng đồng thời với một thuốc chẹn bêta, đặc biệt khi có các triệu chứng tim mạch (ví dụ nhịp tim nhanh).
Chống chỉ định
- Ung thư tuyến giáp phụ thuộc TSH.
- Suy tuỷ, giảm bạch cầu nặng.
- Suy gan nặng.
- Mẫn cảm với carbimazol hoặc các dẫn chất thioimidazol như thiamazol.
Thận trọng
- Phải có thày thuốc chuyên khoa chỉ định sử dụng và theo dõi trong suốt quá trình điều trị.
- Cần theo dõi số lượng bạch cầu và công thức bạch cầu trước khi bắt đầu điều trị, và hàng tuần trong 6 tháng đầu điều trị vì có thể xảy ra suy tuỷ, giảm bạch cầu nặng, nhất là bệnh nhân cao tuổi hoặc dùng liều từ 40 mg mỗi ngày trở lên.
- Theo dõi thời gian prothrombin trước và trong quá trình điều trị nếu thấy xuất huyết, đặc biệt là trước phẫu thuật.
- Phải hết sức thận trọng khi dùng carbimazol cho người đang dùng các thuốc đã biết là dễ gây mất bạch cầu hạt.
- Thời kỳ mang thai
- Thiamazol, dạng chuyển hoá còn hoạt tính của carbimazol, qua được nhau thai, nên có thể gây hại cho thai nhi (bướu cổ, giảm năng giáp, một số dị tật bẩm sinh), nhưng nguy cơ thực sự thường thấp, đặc biệt khi dùng liều thấp.
- Cần cân nhắc lợi/hại giữa điều trị và không điều trị. Trong trường hợp phải điều trị, propylthiouracil thường được chọn dùng hơn, vì thuốc qua nhau thai ít hơn thiamazol. Khi dùng carbimazol, phải dùng liều thấp nhất có hiệu lực để duy trì chức năng giáp của người mẹ ở mức cao trong giới hạn bình thường của ngươì mang thai bình thường, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ.
- Giảm năng giáp và bướu cổ ở thai nhi thường xảy ra khi dùng thuốc kháng giáp tới gần ngày sinh, vì tuyến giáp thai nhi chưa sản xuất hormon giáp cho tới tuần thứ 11 hoặc 12 của thai kỳ. Tăng năng giáp có thể giảm ở người mẹ khi thai tiến triển, nên ở một số người có thể giảm liều carbimazol, có khi ngừng điều trị trong 2 - 3 tháng trước khi đẻ.
- Hormon giáp qua nhau thai rất ít, nên ít có khả năng bảo vệ cho thai nhi. Không nên dùng các hormon giáp trong khi mang thai, vì thuốc có thể che lấp các dấu hiệu thoái lui của cường giáp, và tránh được tăng liều carbimazol một cách vô ích, gây thêm tác hại cho mẹ và thai nhi.
- Thời kỳ cho con bú
- Thiamazol là chất chuyển hoá của carbimazol bài tiết được vào sữa mẹ, có thể gây tai biến cho trẻ, vì nồng độ thiamazol trong huyết thanh và sữa mẹ gần bằng nhau. Nếu mẹ cần sử dụng thuốc thì phải dùng liều thấp nhất có tác dụng và phải sau khi uống thuốc được 4 giờ mới cho con bú.
- Một nghiên cứu dùng liều mỗi ngày 15 mg carbimazol, hoặc 10 mg thiamazol, hoặc 150 mg propylthiouracil, và cho trẻ bú sau khi uống thuốc 4 giờ, chưa thấy tác hại cho trẻ. Chắc chắn hơn, nếu mẹ dùng thuốc thì không cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
- Tỷ lệ chung tác dụng không mong muốn là 2 - 14%, nặng dưới 1%. Tai biến xảy ra phụ thuộc vào liều dùng, và thường xảy ra trong 6 - 8 tuần đầu tiên.
- Thường gặp, ADR > 1/100
- Da: Dị ứng, ban da, ngứa (2 - 4%).
- Tiêu hoá: Buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hoá.
- Máu: Giảm bạch cầu thường nhẹ và vừa. Nhưng khoảng 10% bệnh nhân cường giáp không điều trị, bạch cầu thường cũng giảm còn dưới 4000/mm3.
- Toàn thân: Nhức đầu, sốt vừa và thoáng qua.
- Ít gặp, 1/1000 < ADR <1/100
- Máu: Suy tuỷ, mất bạch cầu hạt (0,03%, có tài liệu 0,7%) biểu hiện là sốt nặng, ớn lạnh, nhiễm khuẩn họng, ho, đau miệng, giọng khàn. Thường xảy ra nhiều hơn nếu là bệnh nhân cao tuổi hoặc dùng liều cao. Giảm prothrombin huyết, gây thiếu máu tiêu huyết.
- Cơ xương khớp: Đau khớp, viêm khớp, đau cơ.
- Da: Rụng tóc, hội chứng kiểu luput ban đỏ.
- Hiếm gặp, ADR < 1/1000
- Gan: Vàng da ứ mật, viêm gan.
- Thận: Viêm cầu thận.
- Toàn thân: Nhức đầu, sốt nhẹ, mất vị giác, ù tai, giảm thính lực.
- Chuyển hoá: Dùng liều cao và kéo dài có thể gây giảm năng giáp, tăng thể tích bướu giáp.
- Hướng dẫn cách xử trí ADR
- Khi thấy đau họng, nhiễm khuẩn, ban da, sốt, ớn lạnh, người bệnh phải đến thầy thuốc kiểm tra huyết học. Nếu thấy mất bạch cầu hạt, suy tuỷ, phải ngừng điều trị, chăm sóc, điều trị triệu chứng và có thể phải truyền máu.
- Vàng da ứ mật, viêm gan thường hiếm; nhưng nếu xảy ra, phải ngừng thuốc ngay, vì đã thấy có tử vong.
- Đau cơ nhiều, phải xét nghiệm creatin phosphokinase; nếu tăng nhiều, phải giảm liều hoặc ngừng thuốc.
- Khi có độc tính với tai, phải ngừng carbimazol và thay bằng benzylthiouracil hoặc propylthiouracil.
- Ban ngứa, dị ứng, có thể khắc phục bằng cách dùng thuốc kháng histamin mà không cần ngừng thuốc. Có thể thay carbimazol bằng thuốc thiouracil kháng giáp.
Liều lượng và cách dùng
- Carbimazol có tác dụng ngăn chặn quá trình tổng hợp hormon giáp, giảm lượng hormon giáp vào tuần hoàn, do đó, làm giảm tình trạng nhiễm độc giáp. Carbimazol không thể điều trị được nguyên nhân gây cường giáp, vì vậy, nếu sau khi dùng thuốc được 12 đến 18 tháng (thường dưới 24 tháng) mà tình trạng nhiễm độc giáp vẫn còn thì phải cắt bỏ giáp hoặc dùng iod phóng xạ.
- Liều khởi đầu cho người lớn là 15 - 40 mg, có thể dùng đến 60 mg mỗi ngày, tuỳ theo cường giáp nhẹ, vừa hoặc nặng. Thường chia làm 3 lần uống, cách nhau 8 giờ vào bữa ăn. Nhưng cũng có thể dùng 1 - 2 lần trong ngày.
- Carbimazol thường cải thiện được triệu chứng bệnh sau 1 - 3 tuần, và chức năng tuyến giáp sẽ trở lại bình thường sau 1 - 2 tháng. Khi hoạt động tuyến giáp của bệnh nhân trở về bình thường thì giảm liều dần, cho đến liều thấp nhất mà vẫn giữ được chức năng tuyến giáp bình thường. Thông thường, liều duy trì là 5 - 15 mg mỗi ngày tuỳ theo bệnh nhân.
- Khi điều chỉnh để được liều duy trì, cần chú ý: Nếu dùng liều duy trì thấp quá, cường giáp lại xuất hiện hoặc tiến triển nặng lên; nếu liều duy trì cao quá, sẽ làm giảm năng giáp, tăng TSH, tăng thể tích bướu giáp.
- Thời gian điều trị thường là 12 - 18 tháng.
- Trẻ em dùng liều khởi đầu 0,25 mg/kg mỗi lần, ngày 3 lần; sau đó điều chỉnh liều tuỳ theo đáp ứng lâm sàng.
- Sau một thời gian điều trị, khi thấy các biểu hiện lâm sàng giảm, xác định hàm lượng các hormon giáp, nếu thấy bình thường thì có thể ngừng thuốc. Nếu sau khi ngừng thuốc mà bệnh tái phát, phải dùng thuốc trở lại, hoặc điều trị bằng phương pháp khác.
Tương tác thuốc
- Với aminophyllin, oxtriphyllin, theophyllin, glycosid trợ tim, thuốc chẹn beta: Khi cường giáp, sự chuyển hoá các thuốc này tăng lên. Dùng carbimazol, nếu tuyến giáp trở về bình thường, cần giảm liều các thuốc này.
- Với amiodaron, iodoglycerol, iod hoặc KI: Các thuốc có iod làm giảm đáp ứng của cơ thể với carbimazol, vì vậy phải dùng tăng liều carbimazol (amiodaron có 37% iod).
- Với thuốc chống đông dẫn chất coumarin hoặc indandion: Carbimazol có thể làm giảm prothrombin huyết, nên làm tăng tác dụng của các thuốc chống đông uống. Do đó, cần điều chỉnh liều thuốc chống đông dựa vào thời gian prothrombin.
- Iod phóng xạ 131I : Thuốc kháng giáp có thể làm tuyến giáp giảm hấp thu 131I; hấp thu 131I có thể tăng trở lại sau khi ngừng đột ngột thuốc kháng giáp 5 ngày.
Độ ổn định và bảo quản
- Viên carbimazol được để trong đồ bao gói kín, bảo quản ở nhiệt độ thường 15 - 30oC, tránh ẩm và tránh ánh sáng.
Tương kỵ
- Chưa thấy có tài liệu nêu tương kỵ của carbimazol.
Quá liều
- Dùng liều cao và kéo dài carbimazol sẽ gây ra rất nhiều tai biến như đã nêu ở phần tác dụng không mong muốn, nhưng mức độ nặng hơn. Nhưng nghiêm trọng nhất là suy tuỷ, mất bạch cầu hạt; đặc biệt là có thể dẫn đến tăng TSH, giảm năng tuyến giáp, tăng thể tích bướu giáp.
- Cần chăm sóc bằng các biện pháp y tế, điều trị triệu chứng, có thể phải dùng kháng sinh hoặc corticoid, truyền máu nếu suy tuỷ và giảm bạch cầu nặng.