Cefalexin

Cefalexin là gì?

  • Cefalexin (hay còn được viết là cephalexin) là một kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 1 dùng theo đường uống.

----------------------------------------------------

Công dụng

  • Thuốc kháng sinh cefalexin có tác dụng diệt khuẩn bằng cách ức chế tổng hợp vỏ tế bào vi khuẩn. Hiệu quả của hoạt chất này được ghi nhận trên chủng Staphylococcus aureus tiết penicilinase kháng penicilin hay amoicilin, một số chủng Escherichia. Coli, Proteus mirabilis, một số Klebsiella spp., Shigella…
  • Thuốc cefalexin 250mg hoặc 500mg được chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm:
    • Nhiễm khuẩn đường hô hấp: viêm phế quản cấp và mạn, giãn phế quản nhiễm khuẩn
    • Viêm tai giữa, nhiễm khuẩn tai – mũi – họng, viêm xoang, viêm xương chũm, viêm họng
    • Nhiễm khuẩn da, mô mềm
    • Nhiễm khuẩn xương khớp
    • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bao gồm viêm tuyến tiền liệt cấp tính, viêm bàng quang. Điều trị dự phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát.
    • Nhiễm khuẩn răng, dùng thay thế penicilin trong điều trị dự phòng cho người bệnh tim phải điều trị răng
    • Nhiễm khuẩn sản và phụ khoa
    • Bệnh lậu (khi penicilin không phù hợp)

Liều dùng

  • Liều thường dùng cho người lớn là 1–4g/ ngày, chia làm 3–4 liều. Hầu hết các nhiễm khuẩn đáp ứng với liều cefalexin 500mg mỗi 8 giờ.
  • Đối với nhiễm khuẩn da và mô mềm, viêm họng liên cầu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu nhẹ không biến chứng, liều thường dùng của thuốc cefalexin là 250mg mỗi 6 giờ hoặc 500mg mỗi 12 giờ.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn nặng hơn hoặc nhiễm các vi khuẩn kém nhạy cảm có thể dùng liều cao hơn. Nếu cần dùng liều cao hơn 4g/ ngày, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng kháng sinh cephalosporin đường tiêm khác với liều thích hợp.
  • Đối với bệnh lậu, dùng thuốc cefalexin với một liều duy nhất phối hợp với prebenecid theo chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng thuốc cefalexin cho trẻ em

  • Liều dùng thông thường ở trẻ em là 25–50mg/ kg thể trọng/ ngày, chia làm nhiều lần uống. Trường hợp viêm họng liên cầu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu nhẹ và không biến chứng: liều dùng hàng ngày có thể chia làm 2 liều bằng nhau, cách nhau mỗi 12 giờ.
  • Đối với hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn, liều dùng ở trẻ em như sau:
    • Dùng liều 125mg mỗi 8 giờ cho trẻ em dưới 5 tuổi
    • Dùng liều cefalexin 250mg mỗi 8 giờ cho trẻ em trên 5 tuổi
    • Trường hợp nhiễm khuẩn nặng, liều dùng có thể tăng gấp đôi. Liều dùng điều trị viêm tai giữa có thể lên đến 75–100mg/ kg thể trọng/ ngày, chia làm 4 lần. Điều trị nhiễm khuẩn Streptococcus beta tan máu nên kéo dài ít nhất 10 ngày.

Cách dùng

  • Thuốc được dùng đường uống, dạng viên hoặc bột pha hỗn dịch uống. Sử dụng theo đúng hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc. Thời gian điều trị nên kéo dài từ 7–10 ngày. Để đảm bảo tác dụng của thuốc cefalexin 250mg, 500mg và hạn chế tình trạng kháng thuốc, bạn không được tự ý ngưng dùng thuốc dù cho các triệu chứng đã hết.
  • Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc sử dụng thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

  • Khi dùng quá liều, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như đau thượng vị, tiêu chảy, tiểu ra máu, buồn nôn, nôn mửa.
  • Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
  • Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

  • Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định. Hãy cố gắng duy trì các liều cách nhau ít nhất 4 tiếng.

Tác dụng phụ

  • Đi cấp cứu nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng: phát ban, khó thở, sưng phù ở mặt, môi, lưỡi, hoặc cổ họng.
  • Các tác dụng phụ có thể gặp phải là:
    • Buồn nôn nhẹ, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, khó tiêu
    • Nổi ban, mề đay, ngứa
    • Tăng men gan
    • Rối loạn tiêu hóa
    • Đau bụng.
  • Các tác dụng phụ hiếm gặp khi dùng thuốc cefalexin:
    • Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi và các triệu chứng phản vệ khác.
    • Viêm đại tràng giả mạc.
    • Hội chứng Stevens-Johnson, hồng ban đa dạng, hoại tử biểu bì nhiễm độc (hội chứng Lyell), phù Quincke hiếm xảy ra.
    • Tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và thiếu máu tán huyết
    • Viêm gan, vàng da ứ mật.
    • Ngứa hậu môn và cơ quan sinh dục
    • Đau khớp, viêm khớp và các rối loạn khớp
  • Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn gặp phải tác động không mong muốn nào khi dùng thuốc cephalexin, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

  • Không sử dụng thuốc cho những người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Một số đối tượng cần thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh cefalexin là:
    • Bị tiêu chảy nặng trong hoặc sau khi dùng thuốc kháng sinh
    • Người bệnh suy thận
    • Người có tiền sử dị ứng với kháng sinh nhóm cephalosporin, penicilin hoặc các thuốc khác
    • Thuốc này có thể gây ra phản ứng dương tính giả trong một số xét nghiệm glucose niệu.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc cefalexin trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

  • Không khuyến cáo dùng thuốc cho phụ nữ mang thai hay đang cho con bú trừ khi bác sĩ đánh giá thấy có lợi ích cao hơn nguy cơ có thể xảy ra khi dùng thuốc.

Tương tác thuốc

  • Một thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
  • Thuốc cefalexin có thể tương tác với một số thuốc sau:
    • Thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid
    • Thuốc lợi tiểu mạnh (furosemid, axit ethacrynic, piretanid)
    • Vắc-xin thương hàn
    • Probenecid
    • Thuốc tránh thai đường uống
    • Cholestyramin
Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ