Cefradin

Cefradin là gì?

  • Cefradin là một kháng sinh cephalosporin bán tổng hợp. Căn cứ vào hoạt phổ, cefradin được xếp vào loại cephalosporin thế hệ 1. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn. Giống như penicilin, cefradin ức chế sự tổng hợp mucopeptid ở thành tế bào vi khuẩn.

----------------------------------------------------

Chỉ định

  • Cefradin được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn da và cấu trúc da, nhiễm khuẩn đường hô hấp kể cả viêm thùy phổi do các cầu khuẩn Gram dương nhạy cảm, nhiễm khuẩn đường tiết niệu kể cả viêm tuyến tiền liệt và nhiều bệnh nhiễm khuẩn nặng và mạn tính khác và để phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật.

Chống chỉ định

  • Trong các trường hợp dị ứng hoặc mẫn cảm với cefradin.

Thận trọng

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng cefradin, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicilin hoặc thuốc khác.
  • Khoảng 10% người bệnh mẫn cảm với penicilin cũng có thể dị ứng với các cephalosporin khác, vì vậy phải rất thận trọng khi dùng cefradin cho những người bệnh đó. Cũng phải thận trọng khi dùng cefradin cho người bệnh có cơ địa dị ứng.
  • Phải thận trọng khi dùng cefradin cho người bệnh suy thận và có thể cần phải giảm liều. Phải theo dõi chức năng thận và máu trong khi điều trị, nhất là khi dùng thuốc thời gian dài và với liều cao.

Thời kỳ mang thai

  • Cefradin qua nhau thai rất nhanh trong thời kỳ mang thai. Các cephalosporin thường được coi như an toàn khi dùng cho người mang thai.

Thời kỳ cho con bú

  • Cefradin được tiết vào sữa mẹ với nồng độ thấp. Ba vấn đề có thể xẩy ra cho trẻ đang bú là: Sự thay đổi hệ vi khuẩn ruột, tác động trực tiếp lên trẻ em và ảnh hưởng đến nhận định kết quả cấy vi khuẩn khi cần phải kiểm tra lúc trẻ sốt. Tuy vậy cefradin cũng như như các cephalosporin khác được xếp vào loại có thể dùng khi cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

  • Như đối với cefalotin natri.
  • Thường gặp nhất
  • Phản ứng quá mẫn:
  • Toàn thân: Sốt, phản ứng giống bệnh huyết thanh, phản vệ.
  • Da: Ban da, mày đay.
  • Máu: Tăng bạch cầu ưa eosin.
  • Thường gặp, ADR > 1/100
    • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, viêm đại tràng màng giả.
    • Máu: Mất bạch cầu hạt, biến chứng chảy máu.
  • Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
    • Thận: Hoại tử ống thận cấp sau khi dùng liều quá cao, và thường liên quan đến người cao tuổi, hoặc người có tiền sử suy thận, hoặc dùng đồng thời với các thuốc có độc tính trên thận như các kháng sinh aminoglycosid.
    • Viêm thận kẽ cấp tính.
  • Hiếm gặp, ADR < 1/1000
    • Gan: Viêm gan, vàng da ứ mật.
    • Toàn thân: Có thể đau ở chỗ tiêm bắp và viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi truyền tĩnh mạch thường trên 6 g/ngày và trên 3 ngày.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

  • Ngừng thuốc và dùng các thuốc chống dị ứng khi cần.

Liều lượng và cách dùng

  • Dạng uống:
    • Người lớn: 250 mg - 500 mg, 6 giờ một lần, hoặc 500 mg - 1 g, 12 giờ một lần. Thường giới hạn liều quy định là 4 g/ngày.
    • Trẻ em: 6,25 đến 25 mg/kg thể trọng, 6 giờ một lần. Ðối với trẻ em trên 9 tháng tuổi, liều cả ngày có thể được chia uống cách nhau 12 giờ. Liều tối đa một ngày không được quá 4 g.
  • Dạng tiêm:
    • Người lớn: Tiêm bắp sâu hoặc tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền 500 mg - 1 g, 6 giờ một lần.
    • Trẻ em: Trẻ đẻ non và trẻ nhỏ cho tới 1 năm tuổi: Chưa xác định liều.
    • Trẻ em 1 tuổi và lớn hơn: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 12,5 - 25 mg/kg thể trọng, 6 giờ một lần.
  • Dự phòng trước, trong và sau khi mổ:
    • Ðối với người mổ đẻ: Tiêm tĩnh mạch 1 g ngay sau khi kẹp cuống rốn và tiêm bắp, hoặc tiêm tĩnh mạch 1 g, 6 hoặc 12 giờ sau liều thứ nhất.
    • Ðối với các người bệnh khác: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 1 g, trước khi phẫu thuật 1/2 giờ đến 1,5 giờ và cứ 4 đến 6 giờ một lần, tiêm tiếp 1 g, trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật. Nhưng không được dùng quá 8 g/ngày.
    • Chú ý: Liều cao tới 300 mg/kg thể trọng đã được dùng cho các trẻ nhỏ bị ốm nặng mà không có phản ứng không mong muốn rõ rệt. Liều tối đa một ngày không quá 8 g cho trẻ em.

Tương tác thuốc

  • Dùng đồng thời probenecid uống sẽ cạnh tranh ức chế bài tiết của đa số các cephalosporin ở ống thận, làm tăng và kéo dài nồng độ của cephalosporin trong huyết thanh.

Ðộ ổn định và bảo quản

  • Cefradin phải được bảo quản ở nơi mát, tránh ánh sáng tập trung hoặc chiếu thẳng. Viên nang và bột để uống và để tiêm phải được bảo quản trong lọ kín ở nhiệt độ không quá 300C, tốt nhất là từ 15 - 300C. Sau khi pha, dịch treo để uống bền vững trong 7 ngày ở nhiệt độ phòng hoặc 14 ngày ở 2 - 80C. Ðối với bột tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, sau khi hòa tan còn giữ hiệu lực trong 2 giờ ở nhiệt độ phòng hoặc 24 giờ trong tủ lạnh 50C.
  • Các dịch truyền cefradin còn giữ hiệu lực trong 10 giờ ở nhiệt độ phòng và 48 giờ ở nhiệt độ lạnh 50C. Nếu để ở lạnh ngay sau khi hòa tan với nước cất vô khuẩn để tiêm ngay, dung dịch trong chai gốc sẽ giữ được hiệu lực tới 6 tuần ở - 200C.
  • Dung dịch sau khi hòa tan thuốc có thể thay đổi màu từ vàng rơm nhạt đến vàng nhưng sự thay đổi màu này không ảnh hưởng gì đến hiệu lực của thuốc.

Tương kỵ

  • Cefradin tiêm chứa natri carbonat, vì vậy tương kỵ với các dung dịch chứa calci (như dung dịch Ringer lactat, dung dịch Ringer - lactat - dextrose, dung dịch Ringer).
  • Không nên trộn cefradin tiêm với các kháng sinh khác.
  • Trộn các kháng sinh beta lactam trong đó có cefradin với aminoglycosid trong cùng một túi hoặc lọ để tiêm tĩnh mạch làm mất hoạt lực cả hai loại. Nếu cần dùng đồng thời cả 2 loại để điều trị, phải tiêm ở hai chỗ khác nhau.

Quá liều và xử trí

  • Như đối với các penicilin và cephalosporin khác.
Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ