Cisatracurium

Cisatracurium 2mg/ml là gì?

  • Cisatracurium là thuốc giãn cơ không khử cực có cấu trúc benzylisoquinolinium, thuốc có thời gian tác động trung bình.

----------------------------------------------------

Chỉ định

  • Cisatracurium được chỉ định sử dụng trong phẫu thuật, các thủ thuật khác và trong chăm sóc tích cực ở người lớn và trẻ em từ 1 tháng tuổi trở lên. 
  • Cisatracurium có thể được sử dụng như một chất hỗ trợ cho gây mê toàn thân, hoặc an thần trong đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) để giãn cơ xương và tạo điều kiện cho việc đặt nội khí quản và thở máy.

Tương tác Cisatracurium với các thuốc khác

  • Tăng tác dụng khi sử dụng đồng thời với tác nhân gây mê như enflurane, isoflurane, halothane và ketamine, các chất giãn cơ không khử cực khác hoặc các loại thuốc khác như kháng sinh (bao gồm các aminoglycoside, polymyxin, spectinomycin, tetracyclines, lincomycin và clindamycin), thuốc chống thuốc loạn nhịp (bao gồm propranolol, thuốc chẹn kênh canxi, lignocaine, procainamide và quinidine), thuốc lợi tiểu, (bao gồm frusemide và có thể cả thiazide, mannitol và acetazolamide), muối magiê và lithium và thuốc phong bế hạch thần kinh (trimetaphan, hexamethonium).
  • Sử dụng suxamethonium để kéo dài tác dụng của các thuốc giãn cơ không khử cực có thể dẫn đến tình trạng phong bế thần kinh cơ phức tạp và kéo dài, khó đảo ngược với các thuốc kháng cholinesterase.
  • Kháng sinh, thuốc chẹn β (propranolol, oxprenolol), thuốc chống loạn nhịp tim (procainamide, quinidine), thuốc chống thấp khớp (chloroquine, D-penicillamine), trimetaphan, chlorpromazine, steroid, phenytoin và lithium có thể làm trầm trọng thêm bệnh nhược cơ tiềm ẩn hoặc gây ra hội chứng nhược cơ; có thể tăng nhạy cảm với các tác nhân giãn cơ không khử cực.
  • Các thuốc kháng cholinesterase (thường được sử dụng trong điều trị bệnh Alzheimer, ví dụ như donepezil) có thể làm rút ngắn thời gian và giảm mức độ phong bế thần kinh cơ của cisatracurium.

Chống chỉ định

  • Thuốc y chống chỉ định ở những bệnh nhân quá mẫn cảm với cisatracurium, atracurium hoặc acid benzen sulfonic.

Liều lượng & cách dùng

  • Người lớn
    • Đặt nội khí quản:
      • Sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch.
      • Liều khởi đầu khuyến cáo của cisatracurium là 150 micrograms/kg (trọng lượng cơ thể). Sau đó duy trì 30 microgam/kg mỗi 20 phút.
      • Cách khác bằng cách truyền tĩnh mạch: ban đầu 180 microgam/kg/giờ, sau đó duy trì 60 - 120 microgam/kg/giờ, liều duy trì được dùng sau khi bệnh nhân trong trạng thái ổn định.
  • Trẻ em
    • Giãn cơ trong phẫu thuật có hoặc không có đặt nội khí quản: 
    • Trẻ 1 tháng - 1 tuổi:
      • Tiêm tĩnh mạch ban đầu 150 microgam/kg, sau đó (bằng cách tiêm tĩnh mạch) 30 microgam/kg mỗi 20 phút theo yêu cầu.
    • Trẻ em 2 - 11 tuổi:
      • Tiêm tĩnh mạch ban đầu 150 microgam Cisatracurium/kg.
      • Nếu không đặt nội khí quản thì liều khởi đầu 80 - 100 microgam/kg, sau đó (bằng cách tiêm tĩnh mạch) 20 microgam/kg mỗi 10 phút theo yêu cầu hoặc cách khác như sau (bằng cách tiêm tĩnh mạch) ban đầu 150 microgam/kg, sau đó (bằng cách truyền tĩnh mạch) 180 microgam/kg/giờ và có thể điều chỉnh giảm xuống 60 - 120 microgam/kg/giờ tuỳ theo đáp ứng lâm sàng.
    • Trẻ em 12 - 17 tuổi:
      • Tiêm tĩnh mạch ban đầu 150 microgam/kg, sau đó (bằng cách tiêm tĩnh mạch) 30 microgam/kg mỗi 20 phút theo yêu cầu hoặc cách khác như sau (bằng cách tiêm tĩnh mạch) ban đầu 150 microgam/kg, sau đó (bằng cách truyền tĩnh mạch) 180 microgam/kg/giờ và có thể điều chỉnh giảm xuống 60 - 120 microgam/kg/giờ tuỳ theo đáp ứng lâm sàng.
    • Liều lượng ở trẻ cân nặng quá cao hoặc quá thấp:
      • Để tránh dùng quá liều Cisatracurium ở bệnh nhân béo phì, nên tính liều trên cơ sở cân nặng cơ thể lý tưởng.
  • Suy gan
    • Không cần thay đổi liều lượng ở bệnh nhân mắc bệnh gan giai đoạn cuối. Ở những bệnh nhân này, cisatracurium có đặc điểm dược lực học tương tự như đặc điểm được quan sát thấy ở những bệnh nhân có chức năng gan bình thường nhưng thuốc có thể khởi phát tác dụng nhanh hơn một chút.
  • Suy thận
    • Không cần thay đổi liều lượng ở bệnh nhân suy thận. Ở những bệnh nhân này, cisatracurium có đặc điểm dược lực học tương tự như đặc điểm được quan sát thấy ở những bệnh nhân có chức năng thận bình thường nhưng thuốc có thể khởi phát tác dụng chậm hơn một chút.

Tác dụng phụ

  • Thường gặp 
    • Nhịp tim chậm, huyết áp thấp.
  • Ít gặp 
    • Da đỏ bừng, co thắt phế quản, phát ban.
  • Hiếm gặp
    • Phản ứng phản vệ, bệnh cơ, yếu cơ.

Lưu ý

  • Lưu ý chung
    • Cisatracurium làm tê liệt các cơ hô hấp cũng như các cơ xương khác nhưng không có ảnh hưởng đến ý thức hoặc ngưỡng đau. Cisatracurium chỉ nên được sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ gây mê hoặc bác sĩ lâm sàng khác, những người đã quen với việc sử dụng và tác dụng của các thuốc phong bế thần kinh cơ. Phải có các phương tiện để đặt nội khí quản, duy trì thông khí phổi và cung cấp đủ oxy cho động mạch.
    • Cần thận trọng khi dùng cisatracurium cho những bệnh nhân có biểu hiện quá mẫn với các thuốc phong bế thần kinh cơ khác vì tỷ lệ dị ứng chéo cao (lớn hơn 50%) giữa các thuốc phong bế thần kinh cơ đã được báo cáo.
    • Cisatracurium không có đặc tính phong bế hạch thần kinh hoặc ức chế thần kinh phế vị. Do đó, cisatracurium không có tác dụng đáng kể về mặt lâm sàng trên nhịp tim và không thể ngăn cản tác dụng làm chậm nhịp tim gây ra bởi các thuốc mê khác hoặc bởi kích thích thần kinh phế vị xảy ra trong khi phẫu thuật.
    • Bệnh nhân mắc bệnh nhược cơ và các bệnh thần kinh cơ khác đã cho thấy sự nhạy cảm tăng lên rất nhiều với các giãn cơ không khử cực. Liều khởi đầu không quá 0,02 mg/kg cisatracurium được khuyến cáo ở những bệnh nhân này.
    • Các bất thường nghiêm trọng về acid-base hoặc điện giải trong huyết thanh có thể làm tăng hoặc giảm độ nhạy cảm của bệnh nhân với các thuốc phong bế thần kinh cơ.
    • Không có thông tin về việc sử dụng cisatracurium ở trẻ sơ sinh dưới một tháng tuổi vì thuốc chưa được nghiên cứu trên đối tượng bệnh nhân này.
    • Cisatracurium chưa được nghiên cứu ở những bệnh nhân có tiền sử tăng thân nhiệt ác tính. 
    • Chưa có nghiên cứu nào về việc sử dụng cisatracurium ở những bệnh nhân đang phẫu thuật với tình trạng hạ thân nhiệt (25 đến 28°C).
    • Cisatracurium chưa được nghiên cứu ở bệnh nhân bỏng; tuy nhiên, cũng như các thuốc giãn cơ cơ không khử cực khác, khả năng tăng nhu cầu về liều lượng và rút ngắn thời gian tác dụng phải được xem xét nếu sử dụng cisatracurium trên nhóm bệnh nhân này.
    • Cisatracurium có tính chất nhược trương và không được dùng chung với các chế phẩm truyền máu.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai
    • Cisatracurium không nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú
    • Do thời gian bán hủy ngắn, thuốc sẽ không ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ nếu người mẹ bắt đầu cho con bú trở lại sau khi hết tác dụng của thuốc. Để đề phòng, nên ngừng cho con bú trong thời gian điều trị và ít nhất 24 giờ sau khi sử dụng sản phẩm thuốc này.
  • Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc
    • Do thuốc luôn được dùng kèm với việc gây mê toàn thân trong phẫu thuật nên nếu bệnh nhân chỉ ở trong bệnh viện một ngày, bác sĩ sẽ cho biết thời gian cần chờ đợi trước khi bệnh nhân có thể tự rời bệnh viện hoặc tự lái xe. Có thể nguy hiểm nếu lái xe quá sớm sau khi phẫu thuật

Quá liều

  • Quá liều và xử trí
    • Liệt cơ kéo dài và hậu quả của nó được cho là những dấu hiệu chính của quá liều với cisatracurium.
  • Cách xử lý khi quá liều Cisatracurium
    • Điều cần thiết là duy trì thông khí phổi và oxy động mạch cho đến khi hô hấp hồi phục trở lại. Thuốc an thần có thể cần được sử dụng vì cisatracurium không có tác dụng suy giảm nhận thức. Sự phục hồi có thể được đẩy nhanh bằng cách sử dụng các thuốc kháng cholinesterase một khi có bằng chứng về sự phục hồi tự phát đang diễn ra. 

Quên liều và xử trí

  • Thuốc được sử dụng bởi nhân viên y tế, bệnh nhân cần tham vấn nhân viên y tế nếu nghi ngờ thiếu liều.
Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ