Cloroquin

Cloroquin là gì?

  • Clonidin là thuốc chủ vận chọn lọc alpha2 - adrenergic. Khác với hoạt hóa thụ thể alpha1 - adrenergic gây tăng huyết áp rõ rệt, hoạt hóa chọn lọc thụ thể alpha2 - adrenergic do clonidin gây tác dụng hạ huyết áp.

----------------------------------------------------

Chỉ định

  • Ðiều trị tăng huyết áp nhẹ và vừa, dùng một mình hoặc phối hợp với những thuốc chống tăng huyết áp khác. Không nên dùng clonidin làm thuốc hàng đầu để điều trị tăng huyết áp.
  • Là thuốc hàng thứ hai để làm giảm những triệu chứng cường giao cảm nặng khi cai nghiện heroin hoặc nicotin.
  • Tiêm ngoài màng cứng, phối hợp với những chế phẩm có thuốc phiện, để điều trị đau nặng ở người bị ung thư khó làm giảm đau (có hiệu lực nhất ở người bệnh có đau do bệnh thần kinh).
  • Dùng để chẩn đoán tăng huyết áp do bệnh u tế bào ưa crôm. Nếu sau khi uống 0,3 mg clonidin mà nồng độ noradrenalin trong huyết tương không giảm, thì có thể chẩn đoán là có u tế bào ưa crôm.
  • Những công dụng khác của clonidin gồm: Dự phòng bệnh đau nửa đầu, tăng nhãn áp và ỉa chảy do đái tháo đường.

Chống chỉ định

  • Quá mẫn với clonidin hydroclorid hoặc một thành phần nào của chế phẩm thuốc.
  • Hội chứng suy nút xoang (sick sinus syndrome).

Thận trọng

  • Dùng thận trọng đối với người có bệnh mạch não, suy động mạch vành, suy thận.
  • Không ngừng thuốc đột ngột, vì huyết áp có thể tăng nhanh và những triệu chứng do tăng quá mức hệ giao cảm (tăng tần số tim, run, kích động, bồn chồn, mất ngủ, ra mồ hôi, đánh trống ngực). Có nguy cơ tăng huyết áp hồi ứng nghiêm trọng.
  • Nếu phải ngừng thuốc, cần giảm dần liều trong một tuần hoặc lâu hơn (2 - 4 ngày đối với thuốc tiêm ngoài màng cứng); hiệu chỉnh liều lượng ở người có rối loạn chức năng thận (đặc biệt ở người cao tuổi).
  • Không dùng clonidin để làm giảm đau trong sản khoa, sau khi đẻ hoặc xung quanh thời gian phẫu thuật, hoặc ở những người không ổn định vững chắc về huyết động do không thể chịu đựng huyết áp thấp và nhịp tim chậm.
  • Nên dùng thuốc tiêm clonidin qua một dụng cụ tiêm truyền liên tục ngoài màng cứng.

Thời kỳ mang thai

  • Không thấy nguy cơ về dị dạng do dùng clonidin trong thời kỳ thai nghén. Clonidin qua được nhau thai. Phải dùng cẩn thận thuốc này, vì có khả năng gây tăng huyết áp hồi ứng nghiêm trọng khi ngừng thuốc đột ngột. Ðối với tất cả những thuốc chống tăng huyết áp sử dụng trong thời kỳ mang thai, điều quan trọng là phải xem xét và bảo vệ lưu lượng máu đầy đủ đến nhau thai.

Thời kỳ cho con bú

  • Clonidin được bài tiết qua sữa. Ðã thấy có hạ huyết áp ở trẻ nhỏ bú sữa mẹ khi người mẹ dùng clonidin.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

  • Những tác dụng không mong muốn chủ yếu của clonidin là khô miệng và an thần (khoảng 40%). Có thể xảy ra loạn chức năng sinh dục. Ðã nhận xét thấy nhịp tim chậm rõ rệt ở một số trường hợp. Những tác dụng không mong muốn này phụ thuộc vào liều.
  • Ở người dùng miếng dán chứa clonidin ngấm qua da, có thể gây viêm da tiếp xúc.
  • Những phản ứng cai thuốc đã xảy ra khi ngừng thuốc đột ngột sau liệu pháp dài hạn với clonidin ở một số người bệnh tăng huyết áp. Cũng có nguy cơ xảy ra tăng huyết áp hồi ứng nghiêm trọng khi ngừng thuốc đột ngột.
  • Thường gặp, ADR > 1/100
    • Toàn thân: Ngủ gà, mệt nhọc.
    • Tiêu hóa: Buồn nôn, miệng khô.
  • Ít gặp, 1/100 > ADR > 1/1000
    • Thần kinh trung ương: Ức chế.
    • Tiêu hóa: Ỉa chảy, táo bón.
    • Da: Ngoại ban.
  • Hiếm gặp, ADR <1/1000
    • Toàn thân: Liệt dương.
    • Tuần hoàn: Hạ huyết áp thế đứng (tư thế, giữ nước và muối).
    • Thần kinh trung ương: Ảo giác.
    • Dạ dày - ruột: Tắc ruột liệt.
    • Mắt: Rối loạn điều tiết.
  • Chú giải:
    • Hạ huyết áp thế đứng có thể phát triển với liều cao. Giữ nước và muối xảy ra sớm trong khi điều trị, đặc biệt với người có suy tim.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

  • Những thông số cần theo dõi cẩn thận: Huyết áp đo ở tư thế đứng và ngồi/nằm ngửa, tần số và độ sâu hô hấp, sự giảm đau, trạng thái tâm thần, nhịp tim chậm (có thể điều trị bằng atropin).
  • Khi xảy ra những tác dụng không mong muốn, có thể giảm liều lượng thuốc. Phải đặt miếng dán chứa clonidin mỗi tuần một lần vào lúc đi ngủ, trên một vùng sạch sẽ, không có lông ở phần trên và mặt ngoài của cánh tay hoặc ngực; thay đổi luân phiên những chỗ dán mỗi tuần một lần. Có thể làm giảm vết đỏ da dưới chỗ dán bằng cách bơm một khí dung corticosteroid cục bộ ở vùng đó trước khi đặt miếng dán.
  • Khi ngừng thuốc, phải giảm dần liều trong 2 - 4 ngày, để tránh tăng huyết áp hồi ứng; trong khi tiêm ngoài màng cứng, theo dõi cẩn thận trạng thái tim mạch và hô hấp.
  • Người bệnh không ngừng dùng thuốc nếu chưa có chỉ dẫn của thầy thuốc; kiểm tra hàng ngày để biết chắc là miếng dán hãy còn tại chỗ; thuốc có thể gây ngủ gà, suy giảm sự phối hợp và óc suy xét; phải hết sức thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

Liều lượng và cách dùng

  • Tăng huyết áp nhẹ hoặc vừa:
    • Người lớn:
      • Uống: Khởi đầu 0,1 mg/lần mỗi ngày 2 lần. Liều duy trì thường dùng 0,2 - 1,2 mg/ngày, chia thành 2 - 4 liều nhỏ. Liều tối đa: 2,4 mg/ngày.
      • Miếng dán thuốc ngấm qua da: Cứ cách 7 ngày dán 1 lần. Khởi đầu dùng miếng dán cung cấp 0,1 mg/ngày. Có thể điều chỉnh liều sau 1 hoặc 2 tuần (thay miếng dán cung cấp 0,2 mg/ngày...).
      • Người cao tuổi: Khởi đầu 0,1 mg mỗi ngày 1 lần vào lúc đi ngủ, tăng dần liều theo cần thiết.
      • Trường hợp suy thận: Khởi đầu dùng 50% đến 75% của liều bình thường cho người có độ thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút.
    • Trẻ em dưới 12 tuổi: Ðộ an toàn và tính hiệu quả của thuốc chưa được xác định.
      • Ðiều trị triệu chứng trong cai nghiện thuốc phiện hoặc nicotin: 0,1 mg/lần, mỗi ngày 2 lần, tới liều tối đa 0,4 mg/ngày trong 3 - 4 tuần.
      • Giảm đau: Tiêm truyền ngoài màng cứng.
    • Người lớn: Liều khởi đầu 30 microgam/giờ, dò liều theo sự cần thiết để giảm đau hoặc xuất hiện ADR, nên coi là 1 liệu pháp phụ thêm vào liệu pháp tiêm chế phẩm có thuốc phiện trong tủy sống.
    • Trẻ em: Liều khởi đầu 0,5 microgam/kg/giờ, điều chỉnh theo đáp ứng lâm sàng.
      • Ðộ an toàn và tính hiệu quả của thuốc chỉ được xác định ở trẻ lớn thực hiện được kỹ thuật tiêm truyền ngoài màng cứng.
      • Khi cần ngừng điều trị với clonidin, phải giảm liều dần dần trong vài ngày (3 - 5 ngày). Trong trường hợp ngừng thuốc quá nhanh như khi quên uống thuốc, có thể xảy ra những triệu chứng cai nghiện gồm đánh trống ngực, bồn chồn, tình trạng kích động, bồn chồn vận động, và trong một số trường hợp có tăng huyết áp hồi ứng cao hơn mức huyết áp ban đầu trước khi bắt đầu điều trị. Kiểu tác dụng không mong muốn này thường thấy chủ yếu ở người có tăng huyết áp rất nặng, đang được điều trị đồng thời với những thuốc chống tăng huyết áp khác. Vì thế thuốc chẹn beta và clonidin có thể gây những tác dụng cai nghiện bổ sung, khi ngừng thuốc. Nếu xuất hiện những triệu chứng như vậy khi ngừng thuốc, cần bắt đầu điều trị lại với clonidin, và lần ngừng clonidin này phải từ từ. Nếu tiêm nhanh tĩnh mạch, có nguy cơ xảy ra tăng huyết áp nghịch thường. Khi có u tế bào ưa crôm, clonidin không có tác dụng.

Tương tác thuốc

  • Những thuốc chống trầm cảm tricyclic đối kháng với tác dụng gây hạ huyết áp của clonidin.
  • Những thuốc chẹn beta có thể làm tăng khả năng chậm nhịp tim ở người đang dùng clonidin và có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp hồi ứng nặng khi ngừng thuốc, do đó phải ngừng thuốc chẹn beta trong ít ngày (7 - 10 ngày) trước khi bắt đầu điều trị với clonidin.
  • Những thuốc chống trầm cảm ba vòng làm tăng nguy cơ của đáp ứng tăng huyết áp khi ngừng clonidin đột ngột.
  • Những thuốc giảm đau gây ngủ có thể làm tăng tác dụng gây hạ huyết áp của clonidin. Ethanol và barbiturat có thể làm tăng sự ức chế hệ thần kinh trung ương.
  • Tiêm ngoài màng cứng clonidin có thể kéo dài tác dụng phong bế cảm giác và vận động của những thuốc gây tê.
  • Clonidin có thể làm tăng tác dụng của alcol và thuốc an thần.

Ðộ ổn định và bảo quản

  • Bảo quản ở nhiệt độ dưới 30OC và tránh ánh sáng.
  • Dung dịch để tiêm truyền ngoài màng cứng được cung cấp là một dung dịch nước không chứa chất bảo quản, không có chất gây sốt, vô khuẩn (pH 5 - 7).

Quá liều và xử trí

  • Những triệu chứng quá liều gồm: nhịp tim chậm, ức chế hệ thần kinh trung ương, hạ nhiệt, ỉa chảy, ức chế hô hấp, ngừng thở.
  • Việc điều trị chủ yếu là để hỗ trợ và chữa triệu chứng. Sự hạ huyết áp thường đáp ứng với truyền dịch tĩnh mạch hoặc đặt người bệnh ở tư thế Trendelenburg (chậu hông cao hơn đầu). Có thể dùng naloxon để điều trị sự ức chế hệ thần kinh trung ương và/hoặc ngạt thở; tiêm tĩnh mạch với liều 0,4 - 2 mg, tiêm nhắc lại tùy theo sự cần thiết, hoặc dùng dưới dạng dung dịch tiêm truyền.
Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ