Hậu phác
Hậu phác là gì?
- Hậu phác (danh pháp khoa học: Cortex Magnoliae officinalis) là vị thuốc từ vỏ cây Magnolia officinalis Rehd. et Wils, thuộc họ Mộc lan (Magnoliaceae), chi Magnolia. Tuy nhiên cần lưu ý rằng tên hậu phác cũng được dùng cho nhiều dược liệu khác nhau. Chỉ có hậu phác nhập từ Trung Quốc mới được xác định một cách chính xác. Còn các vị thuốc hậu phác được trồng và khai thác trong nước cần phải xác định lại.
----------------------------------------------------
Thành phần hóa học
- Vỏ hậu phác có nguồn gốc Trung Quốc có chứa thành phần khoảng 5% hợp chất phenol gọi là magnolol C18H18O2 (nhiệt độ nóng chảy 103oC) và tetrahydro magnolol (144oC) và iso-magnolol C18H18O2 (143oC).
- Bên cạnh đó, trong vỏ cây người ta còn tìm thấy 1% tinh dầu, chiếm tỷ lệ lớn nhất là machilol C15H26O.
- Năm 1951 – 1952, 2 nhà khoa học là Tomita và Masao của Nhật đã chiết tách từ loài hậu phác Nhật Bản (Magnolia abovata Thunb) một chất có tên magnocurarin C19H25O4.1/4H2O, với nhiệt độ nóng chảy ở 200 độ C.
Tác dụng của hậu phác
- Theo y học cổ truyền
- Hậu phác có vị cay đắng, tính ôn và không độc, quy vào kinh đại tràng, phế, tỳ, vị. Tác dụng của hậu phác là ôn trung hạ khí, táo thấp tiêu đờm. Trong Đông y, loại dược liệu này dùng để điều trị các chứng hen suyễn, ho, tiết tả, nôn mửa, thực tích, thượng vị đầy trướng.
- Theo y học hiện đại
- Nước sắc từ vỏ cây hậu phác được cho là có tác dụng kìm hãm sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn như phẩy khuẩn tả, tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ.
- Alcaloid toàn phần có trong dược liệu có khả năng làm giãn mạch ngoại biên in vitro, ức chế hoạt động của tim mạch, hạ huyết áp in vivo khi được thử nghiệm trên động vật
- Vỏ hậu phác có công dụng lợi tiểu, giảm đau khá hiệu quả.
- Từ vỏ hậu phác người ta chiết được các hoạt chất honokiol và magnolol có khả năng kìm hãm sự sinh sôi của các loại nấm và vi khuẩn Gram dương. Cao ether và methanol có hai hoạt chất trên có khả năng ức chế loại vi khuẩn Streptococcus mutans gây sâu răng. Ngoài ra 2 chất này còn có công dụng ức chế thần kinh trung ương, giãn cơ, ức chế tập kết tiểu cầu gây ra bởi collagen khi thử nghiệm trên thỏ, kết quả đạt được mạnh hơn gấp 3 lần so với aspirin.
- Chất magnolol cũng có hoạt tính chống loét dạ dày gây ra do stress khi ngâm mình trong nước và chống chảy máu dạ dày do stress.
Một số vị thuốc từ hậu phác
- Trị trướng bụng khó tiêu, đau bụng do lạnh: 12g xích phục linh, 6g thảo đậu khấu, 8g trần bì, 4g mộc hương, 12g gừng sống, 4g gừng khô, 12g đại táo, 4g cam thảo, 12g hậu phác. Sắc lấy nước uống.
- Trị chứng đại tiện táo, đầy hơi trướng bụng: 8g chỉ thực, 12g đại hoàng, 12g hậu phác, sắc lấy nước uống.
- Trị chứng tỳ vị hư hàn, bụng trướng đầy: 8g sinh khương, 12g đảng sâm, 8g cam thảo, 12g bán hạ, 8g hậu phác. Sắc lấy nước uống.
- Trị đờm thấp vướng ở phổi gây suyễn: 16g tiểu mạch, 20g thạch cao sống, 2g tế tân, 4g ngũ vị tử, 4g ma hoàng, 12g hạnh nhân, 2g gừng khô, 12g bán hạ, 8g hậu phác. Sắc lấy nước uống.
- Điều trị tự toát mồ hôi, ngực đầy suyễn, sợ gió: 12g quế chi, 12g hạnh nhân, 12g gừng sống, 12g đại táo, 4g cam thảo, 12g bạch thược, 12g hậu phác. Sắc lấy nước uống.
Lưu ý khi sử dụng hậu phác
- Liều dùng tham khảo từ 3 – 9g, dùng kết hợp với các vị thuốc khác.
- Thận trọng khi dùng trong trường hợp tỳ vị hư nhược, khí huyết kém, tân dịch khô
- Kiêng kỵ đối với phụ nữ có thai