Huyết thanh kháng dại
Huyết thanh kháng dại là gì?
- Huyết thanh kháng dại là một dung dịch không màu hoặc màu vàng nhạt, có nguồn gốc từ huyết thanh/ huyết tương người hoặc ngựa chứa kháng thể kháng virus dại được chỉ định tiêm để điều trị dự phòng bệnh dại khi bệnh nhân có vết thương mức độ III
----------------------------------------------------
Huyết thanh kháng dại SAR sử dụng như thế nào?
- Huyết thanh kháng dại SAR được chỉ định tiêm bắp với liều tiêm 40 đvqt (IU)/kg trọng lượng cơ thể. Huyết thanh kháng dại giúp tạo nhanh miễn dịch thụ động để bảo vệ người bệnh cho tới khi các kháng thể kháng dại chủ động được tạo ra sau khi tiêm vắc-xin phòng dại. Hiệu giá kháng thể thụ động xuất hiện 24 giờ sau khi tiêm. Chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại 1 lần, thường vào ngày đầu khi bị cắn cùng với tiêm vắc-xin phòng dại. Tuy nhiên, sử dụng khác bơm kim tiêm và khác vị trí tiêm. Tuy nhiên nếu không tiêm SAR được ngày đầu, có thể tiêm bất cứ ngày nào cho đến ngày thứ 7 sau khi tiêm liều vắc-xin đầu tiên. Quá ngày thứ 7, không được chỉ định huyết thanh kháng dại bởi vì sau 7-8 ngày vắc-xin đã có thể giúp cơ thể sản sinh ra kháng thể chủ động phòng bệnh dại. Nếu tiêm huyết thanh kháng dại thời điểm này có thể ức chế quá trình sản xuất kháng thể chủ động do vắc-xin tạo ra. Chính vì vậy cũng không được tiêm SAR vượt quá liều khuyến cáo đế tránh ức chế quá trình tạo kháng thể chủ động.
Cách sử dụng huyết thanh kháng dại
- Thử phản ứng mẫn cảm: Sau khi tiêm huyết thanh kháng dại vào cơ thể người bệnh khoảng 15 phút nếu đường kính quầng đỏ xung quanh vùng tiêm lớn hơn 1cm là dương tính, còn nếu nhỏ dưới 1 cm là phản ứng âm tính.
- Huyết thanh kháng dại có thể được pha loãng với nước muối sinh lí để tiêm phong bế toàn bộ vết thương, phần dư còn lại sẽ tiêm bắp khác chi với chi tiêm vắc-xin.
- Sau khi tiêm phải theo dõi bệnh nhân tại chỗ từ 30 phút đến 1 giờ sau.
- Khi tiêm huyết thanh kháng dại, người bệnh cần phải tiêm vắc-xin phòng dại với phác đồ đầy đủ số mũi tiêm cơ bản.
- Nếu cần thiết thì phải tiêm phòng thêm vắc-xin phòng uốn ván và kháng sinh để chống bội nhiễm.
Chỉ định và chống chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại SAR:
- Huyết thanh kháng dại được sử dụng cùng với vắc-xin phòng dại để điều trị dự phòng bệnh dại trong các trường hợp:
- Những người bị chó dại hoặc động vật dại cắn, cào rách các vùng da trên cơ thể.
- Niêm mạc (mắt, miệng, bộ phận sinh dục...) của người bị dính nước dãi súc vật nghi bị dại hoặc súc vật liếm trên vùng da bị trầy xước, chảy máu của con người.
- Huyết thanh kháng dại chống chỉ định với một số đối tượng sau:
- Người có hệ thống miễn dịch suy giảm
- Những người quá mẫn với huyết thanh có nguồn gốc từ ngựa hay bất cứ thành phần nào của huyết thanh.
Thận trọng trong trường hợp
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng, cần phải có bác sĩ trực tiếp theo dõi.
- Khi phản ứng mẫn cảm dương tính mà phải dùng huyết thanh kháng dại thì phải giải mẫn cảm bằng phương pháp Besredka tiêm bắp liều 0,1 ml, theo dõi 30 phút, nếu không có phản ứng tiếp tục tiêm 0,25 ml, theo dõi 30 phút, nếu không có phản ứng xảy ra tiêm hết liều huyết thanh còn lại.
- Trường hợp người bệnh có phản ứng phụ nhẹ thì có thể sử dụng thuốc kháng Histamine và giảm đau.
- Thận trọng đối với những người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu có thể chảy máu khó cầm khi tiêm bắp.
- Tuyệt đối không được trộn lẫn vắc-xin phòng dại và kháng huyết thanh với nhau, khi sử dụng phải sử dụng bơm kim tiêm riêng và tiêm khác vị trí.
- Không được tiêm huyết thanh kháng dại vào tĩnh mạch của người bệnh.
Tác dụng không mong muốn của huyết thanh kháng dại SAR
- Một số tác dụng không mong muốn đối với người bệnh dại sau khi tiêm huyết thanh kháng dại gồm:
- Tại chỗ: Tổn thương loét hay căng cứng cơ có thể xảy ra ở vị trí tiêm. Phản ứng có thể tự khỏi trong vòng 3 ngày.
- Toàn thân: có thể sẽ sốt nhẹ, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề, đau khớp và mệt mỏi.
- Hiếm gặp: Choáng, sốc phản vệ, viêm khớp, viêm thận.
- Biểu hiện phản ứng dị ứng có thể xảy ra ngay tức thời sau khi tiêm huyết thanh, sau vài giờ, vài ngày hoặc thậm chí sau 10 ngày.
- Ghi nhận hội chứng thận hư có thể xảy ra, nhưng chưa có đủ cơ sở khẳng định là do huyết thanh kháng dại.