Indomethacin là gì?
- Indomethacin là thuốc chống viêm không steroid, dẫn xuất từ acid indolacetic.
----------------------------------------------------
Chỉ định
- Bệnh khớp do viêm, như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, hội chứng Reiter.
- Chỉ định tương đối: Hư xương khớp khi điều trị giai đoạn tăng viêm, và đau các cơ do thấp, nhưng chỉ trong 1 thời gian ngắn.
- Ðau sau phẫu thuật.
- Nhức đầu kiểu đau nửa đầu kích phát kèm nhiều đợt đau hàng ngày ở vùng mắt, trán và thái dương ngày và đêm, kèm theo chảy nước mắt nước mũi.
- Cơn cấp bệnh gút.
- Dùng trong sơ sinh học: Ðể đóng chứng còn ống động mạch ở trẻ đẻ non.
Chống chỉ định
- Người có tiền sử mẫn cảm với indomethacin và các chất tương tự, kể cả với aspirin (viêm mũi, hen, nổi mày đay khi dùng aspirin hay các thuốc chống viêm không steroid khác).
- Loét dạ dày tá tràng.
- Suy gan nặng, xơ gan.
- Suy thận nặng (mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút)
- Người mang thai hoặc cho con bú.
- Suy tim.
- Không dùng dạng đạn trực tràng cho người bị viêm hậu môn hoặc chảy máu hậu môn.
Thận trọng
- Tránh dùng indomethacin cho người bệnh cao tuổi vì người cao tuổi thường có nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa hay các rối loạn thần kinh trung ương (nhức đầu, lú lẫn, ảo giác).
- Indomethacin có thể làm cho bệnh tình nặng thêm ở những người rối loạn tâm thần, động kinh và bệnh Parkinson.
- Indomethacin có thể che lấp các triệu chứng nhiễm khuẩn.
- Indomethacin ức chế kết tập tiểu cầu và làm thời gian chảy máu kéo dài. Người bệnh có rối loạn về đông máu cần được theo dõi chặt chẽ khi dùng indomethacin.
- Indomethacin có thể làm giảm dòng máu qua thận. Dùng thuốc này cho người tăng huyết áp, suy tim, bệnh về thận, đái tháo đường, bệnh gan, đặc biệt là người bệnh đang dùng thuốc lợi tiểu cần phải được theo dõi cẩn thận để phát hiện sớm các dấu hiệu ứ nước, phù.
- Indomethacin có thể làm mất tập trung chú ý. Cần thận trọng với người điều khiển máy móc, lái xe.
Thời kỳ mang thai
- Chống chỉ định tuyệt đối trong thời kỳ mang thai, tuy thực nghiệm không thấy có bằng chứng gây rối loạn phát triển thai ở động vật. Giống như các thuốc chống viêm không steroid khác, thuốc có thể làm ống động mạch của bào thai đóng lại sớm, nếu dùng trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
Thời kỳ cho con bú
- Không nên dùng indomethacin trong thời kỳ cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
- Indomethacin thường gây nhiều tác dụng không mong muốn, đặc biệt là thời gian chảy máu kéo dài (nguy cơ chảy máu ổ loét ống tiêu hóa) và nguy cơ gây rối loạn chức năng thận (gây ứ nước).
- Thường gặp, ADR >1/100
- Toàn thân: Nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ.
- Tiêu hóa: Nôn, buồn nôn, đau vùng thượng vị, ỉa chảy, táo bón.
- Thần kinh: Trầm cảm.
- Ít gặp, 1/100 >ADR >1/1000
- Toàn thân: Kém ăn, ngất.
- Thính giác: Giảm sức nghe, điếc, rối loạn thính giác.
- Máu: Giảm bạch cầu, ban xuất huyết, giảm tiểu cầu, đông máu nội mạch rải rác, thiếu máu thứ phát do chảy máu dai dẳng bên trong.
- Tuần hoàn: Loạn nhịp tim, suy tim.
- Tiêu hóa: Loét nhiều ổ ở dạ dày và tá tràng, thủng dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa (là phản ứng có hại nặng nhất), chảy máu ở các túi thừa hoặc ở khối u nếu có.
- Thận: Giảm chức năng thận, suy thận.
- Da: Tụ máu dưới da, chấm xuất huyết, mảng xuất huyết, ban đỏ, ngứa, đổ mồ hôi.
- Chuyển hóa: Phù, ứ nước.
- Thần kinh: Loạn cảm, bệnh thần kinh ngoại biên.
- Tiết niệu - sinh dục: Ðái ra máu, chảy máu âm đạo, chứng to vú ở đàn ông.
- Hiếm gặp, ADR <1/1000
- Toàn thân: Mày đay, viêm mũi, hen, choáng phản vệ, phù, sốc.
- Thị giác: Nhìn mờ, thay đổi ở giác mạc, nhiễm độc ở võng mạc.
- Máu: Thiếu máu thiểu sản, thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu hạt.
- Tuần hoàn: Tăng huyết áp, hạ huyết áp.
- Tiêu hóa: Loét dạ dày ruột, hẹp dẫn tới tắc ruột, thủng đại tràng sigma.
- Thần kinh: Ðau hố mắt hay quanh hố mắt, động kinh, Parkinson, co giật, loạn thần.
- Da: Viêm da, hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens - Johnson, hoại tử da do nhiễm độc.
- Gan: Viêm gan (đã có những trường hợp tử vong), vàng da.
- Chuyển hóa: Tăng đường huyết, đường niệu, tăng kali huyết.
- Tiết niệu - sinh dục: Protein niệu, viêm thận kẽ, hội chứng thận hư.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
- Cần hướng dẫn cẩn thận và theo dõi người bệnh đang dùng indomethacin để đề phòng những phản ứng có hại nghiêm trọng và không thể phục hồi, có thể gây tử vong.
- Có thể giảm thiểu tác dụng có hại đường tiêu hóa của indomethacin bằng cách uống thuốc ngay sau bữa ăn, khi có thức ăn hoặc uống với chất kháng acid. Vì tính chất nghiêm trọng có thể xảy ra của các phản ứng có hại đường tiêu hóa, nên bác sĩ lâm sàng phải chú ý tới những biểu hiện và triệu chứng của phản ứng này ở người đang dùng indomethacin. Cần định kỳ kiểm tra phân về biểu hiện chảy máu dai dẳng bên trong ở người đang điều trị indomethacin dài ngày.
- Cần phải ngừng sử dụng thuốc nếu xảy ra các trường hợp như chảy máu đường tiêu hóa, có các biểu hiện hoặc triệu chứng phản ứng nặng ở gan, các tác dụng có hại nặng ở thần kinh trong quá trình điều trị indomethacin, đau đầu dai dẳng mặc dù đã giảm liều.
Liều lượng và cách dùng
- Liều uống thông thường để điều trị các bệnh về cơ và khớp là 25 mg/lần, uống 2 - 3 lần mỗi ngày, vào bữa ăn. Nếu dung nạp tốt, có thể tăng hàng tuần 25 mg đến 50 mg/ngày, cho đến tối đa là 150 - 200 mg mỗi ngày. Ðể giảm đau ban đêm và cứng khớp buổi sáng, có thể uống 100 mg hay đặt thuốc vào trực tràng lúc đi ngủ.
- Ðau nửa đầu mạn tính kịch phát (nhức đầu hàng ngày có nhiều đợt đau vùng mắt, trán, thái dương, có chảy nước mắt, nước mũi): Uống mỗi lần 25 mg, mỗi ngày 3 lần. Indomethacin đáp ứng tốt với kiểu đau đầu này (khác với nhức đầu kiểu migraine).
- Ðiều trị bệnh Gout (cơn cấp): Mỗi lần 50 mg, 3 lần mỗi ngày. Tránh dùng phối hợp với aspirin.
- Ðiều trị thống kinh: Có thể dùng tới 75 mg mỗi ngày.
- Ðiều trị viêm khớp mạn tính thiếu niên: 1 - 2,5 mg/kg thể trọng/ngày, chia làm 3 - 4 lần, tối đa 4 mg/kg/ngày hoặc liều không được quá 150 mg/ngày.
- Ðể làm đóng ống động mạch ở trẻ đẻ non: Ðợt điều trị ngắn bằng indomethacin (muối natri) tiêm tĩnh mạch 3 lần cách nhau từ 12 đến 24 giờ; mỗi mũi tiêm chậm từ 5 đến 10 giây. Liều indomethacin natri (quy về indomethacin) phụ thuộc vào tuổi của trẻ sơ sinh và liều tiếp theo phải dựa vào tuổi của đứa trẻ khi tiêm liều đầu tiên. Trẻ sơ sinh dưới 48 giờ tuổi, tiêm liều đầu tiên trên 200 microgam cho 1 kg thể trọng, sau đó tiêm 2 liều, mỗi liều tiêm 100 microgam cho 1 kg thể trọng; trẻ từ 2 đến 7 ngày tuổi, tiêm 3 liều, mỗi liều 200 microgam cho 1 kg thể trọng, sau đó tiêm 2 liều, mỗi liều 250 microgam. Nếu ống động mạch không đóng hoặc thông trở lại, có thể tiến hành đợt điều trị thứ hai. Nguy cơ nặng nhất đáng quan tâm của liệu pháp này là tác dụng của thuốc lên sự cấp máu tới thận. Nếu đợt điều trị thứ hai không có kết quả thì có thể cần phải phẫu thuật.
Tương tác thuốc
- Không nên dùng indomethacin phối hợp với:
- Thuốc chống đông theo đường uống và heparin: Nguy cơ gây xuất huyết nặng.
- Aspirin: Làm giảm nồng độ indomethacin trong huyết tương và làm tăng nguy cơ và mức độ tổn thương dạ dày ruột.
- Diflunisal: Dùng diflunisal đồng thời với indomethacin có thể làm tăng nồng độ indomethacin trong huyết tương, làm giảm độ thanh thải indomethacin và có thể gây chảy máu ở đường tiêu hóa dẫn đến tử vong.
- Lithi: Indomethacin có thể làm tăng nồng độ lithi trong huyết thanh đến mức gây độc. Nếu buộc phải dùng đồng thời, thì cần theo dõi người bệnh thật cẩn thận để phát hiện kịp thời dấu hiệu ngộ độc lithi và phải kiểm tra thường xuyên nồng độ lithi trong máu. Phải điều chỉnh liều lithi trong và sau điều trị bằng indomethacin.
- Digoxin: Indomethacin có thể làm tăng nồng độ digoxin trong huyết thanh và kéo dài nửa đời thải trừ của digoxin. Cần định lượng nồng độ digoxin trong máu và cần giảm liều digoxin nếu dùng đồng thời cả 2 thuốc.
- Ticlopidin: Làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Dụng cụ tránh thai đặt trong tử cung: Có tài liệu viết dùng thuốc làm mất tác dụng của dụng cụ tránh thai.
- Methotrexat: Indomethacin làm tăng độc tính của methotrexat
- Có thể dùng indomethacin, nhưng phải theo dõi sát người bệnh khi có dùng thêm các thuốc sau:
- Cyclosporin: Nguy cơ bị ngộ độc cyclosporin. Cần thường xuyên theo dõi chức năng thận của người bệnh.
- Lợi niệu: Indomethacin và thuốc lợi tiểu giữ kali có thể làm tăng kali huyết.
- Muối magnesi, nhôm và calci, các oxyd hay hydroxyd (dùng để chống acid dạ dày).
- Thuốc chữa tăng huyết áp (thuốc ức chế enzym chuyển dạng angiotensin, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu).
- Uống thuốc kháng acid có thể làm giảm kích ứng ruột bởi indomethacin, nhưng lại có thể làm giảm nồng độ indomethacin trong huyết thanh.
- Cimetidin có thể làm cho nồng độ indomethacin huyết thanh giảm đi một chút nhưng không làm giảm tác dụng chống viêm của thuốc. Cimetidin bảo vệ tá tràng khỏi tác dụng có hại của indomethacin.
- Probenecid có thể làm cho nồng độ indomethacin tăng gấp đôi nếu dùng đồng thời. Ðiều này có thể có tác dụng lâm sàng tốt ở người bệnh viêm khớp, nhưng lại có thể xảy ra ngộ độc indomethacin, đặc biệt là ở những người bị suy giảm chức năng thận. Tác dụng làm thải acid uric niệu không bị ảnh hưởng. Nếu cần, thì giảm liều indomethacin.
- Nếu dùng indomethacin, đáp ứng của cơ thể với miễn dịch bằng vaccin sống có thể xảy ra nặng hơn.
Ðộ ổn định và bảo quản
- Indomethacin nhạy cảm với ánh sáng và không bền trong dung dịch kiềm. Bảo quản nang indomethacin trong lọ kín ở nhiệt độ 15 - 30oC. Bảo quản bột tiêm indomethacin natri ngậm 3 phân tử nước ở nhiệt độ dưới 30oC và tránh ánh sáng. Chỉ pha thành dung dịch tiêm ngay trước khi dùng và chỉ dùng khi dung dịch trong; phải vứt bỏ phần dung dịch đã pha không dùng đến. Pha thuốc với dung dịch có pH thấp hơn 6 có thể tạo tủa indomethacin không tan. Không nên pha loãng tiếp các dung dịch thuốc đã pha để làm dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch.
Tương kỵ
- Pha indomethacin natri để tiêm với nước cất tiêm; dung dịch tiêm natri clorid 0,9%. Không được dùng dung dịch glucose để pha thuốc; dung dịch có pH dưới 6 có thể làm tủa indomethacin.
Quá liều và xử trí
- Thường điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Nếu đã dùng quá liều, cần áp dụng những biện pháp sau nhằm tăng đào thải và bất hoạt thuốc: Hút dạ dày, rửa dạ dày, gây nôn và lợi tiểu, cho uống than hoạt hay thuốc nhuận tràng. Trường hợp nặng phải xem xét đến các biện pháp khác như truyền máu, lọc máu bằng thận nhân tạo.