Ketorolac

Ketorolac là gì?

  • Ketorolac là thuốc chống viêm không steroid có cấu trúc hóa học giống indomethacin và tolmetin.

----------------------------------------------------

Chỉ định

  • Ðiều trị ngắn ngày đau vừa tới nặng sau phẫu thuật, dùng thay thế các chế phẩm opioid.
  • Dùng tại chỗ để điều trị triệu chứng viêm kết mạc dị ứng theo mùa.

Chống chỉ định

  • Tiền sử viêm loét dạ dày hoặc chảy máu đường tiêu hóa.
  • Xuất huyết não hoặc có nghi ngờ. Cơ địa chảy máu, có rối loạn đông máu. Người bệnh phải phẫu thuật, có nguy cơ cao chảy máu hoặc cầm máu không hoàn toàn. Người bệnh đang dùng thuốc chống đông.
  • Quá mẫn với ketorolac hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác; người bệnh bị dị ứng với các chất ức chế tổng hợp prostaglandin hoặc aspirin.
  • Hội chứng polyp mũi, phù mạch hoặc co thắt phế quản.
  • Giảm thể tích máu lưu thông do mất nước hoặc bất kỳ nguyên nhân nào.
  • Giảm chức năng thận vừa và nặng.
  • Người mang thai, lúc đau đẻ và sổ thai hoặc cho con bú.
  • Trẻ em dưới 16 tuổi: An toàn và hiệu quả của thuốc chưa được xác định. Không nên dùng ketorolac cho lứa tuổi này.

Thận trọng

  • Không kết hợp ketorolac với các thuốc chống viêm không steroid khác, với aspirin và corticosteroid.
  • Thận trọng nếu thấy chóng mặt hoặc buồn ngủ; không lái xe, vận hành máy móc hoặc làm các công việc cần tỉnh táo.
  • Khi điều trị người bệnh bị giảm chức năng thận, suy tim vừa hoặc bệnh gan, đặc biệt trong trường hợp dùng đồng thời với thuốc lợi tiểu, cần xem xét nguy cơ giữ nước và nguy cơ làm chức năng thận xấu hơn. Giảm liều đối với người có trọng lượng dưới 50 kg.
  • Thận trọng khi dùng thuốc cho người cao tuổi vì ở người bệnh này ketorolac thải trừ chậm hơn và họ nhạy cảm hơn với các tác dụng độc với thận và có hại ở đường tiêu hóa.
  • Thời kỳ mang thai
    • Không dùng thuốc này cho người mang thai.
  • Thời kỳ cho con bú
    • Không dùng thuốc này cho người đang cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

  • Hầu hết các phản ứng bất lợi của thuốc có triệu chứng ở hệ thần kinh trung ương như đau đầu, chóng mặt và buồn ngủ. Ngoài ra, một số phản ứng ở đường tiêu hóa thường gặp như khó tiêu, buồn nôn, đau và kích ứng. Cần lưu ý rằng người bệnh điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid như ketorolac có thể bị suy thận cấp hoặc tăng kali huyết hoặc cả hai. Ðặc biệt thận trọng trong trường hợp người bệnh đã bị suy thận trước đó.
  • Thường gặp, ADR > 1/100
    • Toàn thân: Phù, đau đầu, chóng mặt.
    • Thần kinh trung ương: Mệt mỏi, ra mồ hôi.
    • Tiêu hóa: Buồn nôn, khó tiêu, đau bụng, ỉa chảy.
  • Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
    • Toàn thân: Suy nhược, xanh xao.
    • Máu: Ban xuất huyết.
    • TKTW: Trầm cảm, phấn kích, khó tập trung tư tưởng mất ngủ, tình trạng kích động, dị cảm.
    • Tiêu hóa: Phân đen, nôn, viêm miệng, loét dạ dày, táo bón dai dẳng, đầy hơi, chảy máu trực tràng.
    • Da: Ngứa, mày đay, nổi ban
    • Hô hấp: Hen, khó thở.
    • Cơ xương: Ðau cơ.
    • Tiết niệu: Ði tiểu nhiều, thiểu niệu, bí tiểu.
    • Mắt: Rối loạn thị giác.
  • Phản ứng khác: Khô miệng, khát, thay đổi vị giác.
  • Hiếm gặp, ADR < 1/1000
    • Toàn thân: Phản ứng phản vệ, bao gồm co thắt phế quản, phù thanh quản, hạ huyết áp, nổi ban da, phù phổi.
    • Máu: Chảy máu sau phẫu thuật.
    • TKTW: ảo giác, mê sảng.
    • Da: Hội chứng Lyell, hội chứng Stevens - Johnson, viêm da tróc vảy, ban da dát sần.
    • Cơ xương: Co giật, tăng vận động.
    • Tiết niệu: Suy thận cấp, tiểu tiện ra máu, urê niệu cao.
    • Tai: Nghe kém.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

  • Ngừng thuốc nếu thấy có phản ứng phụ xảy ra.

Liều lượng và cách dùng

  • Cách dùng:
    • Liệu pháp ketorolac phải bắt đầu bằng tiêm, sau đó liều thêm có thể tiêm hoặc uống. Tuy nhiên, thời gian điều trị bằng bất cứ đường nào hoặc phối hợp các đường (uống, tiêm) cũng không được quá 5 ngày. Người bệnh phải được chuyển sang điều trị bằng 1 thuốc giảm đau khác càng nhanh khi có thể.
    • Uống thuốc trong bữa ăn hoặc ăn nhẹ để giảm kích ứng dạ dày, mặc dù có thể uống 2 liều đầu vào lúc đói để tác dụng nhanh hoặc dùng với thuốc kháng acid.
    • Uống thuốc với một cốc nước đầy, và giữ ở tư thế đứng thẳng trong 15 - 30 phút để giảm nguy cơ kích ứng thực quản.
    • Liều tiêm tĩnh mạch phải tiêm chậm ít nhất 15 giây. Liều tiêm bắp phải tiêm chậm, sâu vào trong cơ.
  • Liều lượng:
    • Tiêm:
      • Liều thông thường ở người lớn:
        • Giảm đau:
          • Người bệnh từ 16 - 64 tuổi, cân nặng ít nhất 50 kg và có chức năng thận bình thường:
          • Tiêm bắp: 1 liều duy nhất 60 mg, nếu cần, có thể cho uống thêm ketorolac hoặc 1 thuốc giảm đau khác, hoặc:
          • Tiêm bắp: 30 mg cách 6 giờ/1 lần, cho tới tối đa 20 liều cho trong 5 ngày, hoặc:
          • Tiêm mạch: 30 mg tiêm 1 liều duy nhất hoặc làm nhiều lần cách 6 giờ/1 lần, cho tới tối đa 20 liều trong 5 ngày.
        • Người bệnh < 50 kg và/hoặc có chức năng thận bị suy giảm:
          • Tiêm bắp: 1 liều duy nhất 30 mg, nếu cần có thể cho tiếp uống ketorolac hoặc 1 thuốc giảm đau khác; hoặc:
          • Tiêm bắp: 15 mg cách 6 giờ/1 lần, cho tới tối đa 20 liều trong 5 ngày, hoặc:
          • Tiêm mạch: 15 mg 1 liều duy nhất hoặc làm nhiều liều cách 6 giờ/ 1 lần, cho tới tối đa 20 liều trong 5 ngày.
          • Ghi chú: Liều và số lần cho được khuyến cáo ở trên không được tăng nếu đau không đỡ hoặc đau trở lại trong khi dùng thuốc.
      • Liều tối đa thông thường kê đơn cho người lớn:
        • Người bệnh 16 - 64 tuổi 50 kg, chức năng thận bình thường:
          • Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch: 120 mg/ngày
        • Người bệnh < 50 kg và/ hoặc có chức năng thận suy giảm:
          • Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch: 60 mg/ngày.
          • Liều thông thường ở người cao tuổi: Giống như đối với người < 50 kg hoặc có chức năng thận suy giảm.
    • Uống:
      • Liều thông thường người lớn:
        • Giảm đau: Uống; tiếp theo sau liệu pháp tiêm ban đầu.
        • Người bệnh 16 - 64 tuổi 50 kg, chức năng thận bình thường: 20 mg ban đầu, tiếp theo là 10 mg cho tới 4 lần mỗi ngày, cách nhau 4 - 6 giờ/ 1 lần, nếu cần.
        • Người bệnh < 50 kg và/ hoặc chức năng thận suy giảm:
        • 10 mg cho tới 4 lần/ ngày, cách 4 - 6 giờ/ 1 lần nếu cần. Liều tối đa thông thường kê đơn cho người lớn:
        • Uống: 40 mg/ngày
      • Liều thông thường ở người cao tuổi:
        • Giảm đau: uống (sau khi đã tiêm): 10 mg, cho tới 4 lần/ ngày cách 4 - 6 giờ/ 1 lần
        • Liều tối đa kê đơn cho người cao tuổi:
        • Uống: 40 mg/ ngày.

Tương tác thuốc

  • Hầu hết các tương tác dưới đây chưa được thông báo đối với ketorolac, nhưng đã có thông báo đối với các thuốc chống viêm không steroid khác, do vậy cũng cần cân nhắc và thận trọng khi dùng ketorolac, đặc biệt khi dùng thuốc dài ngày.
  • Các thuốc chống viêm không steroid có thể làm tăng nguy cơ suy thận thứ phát ở người bệnh đang dùng thuốc lợi tiểu, do giảm dòng máu qua thận.
  • Các thuốc chống viêm không steroid làm giảm độ thanh thải lithi, dẫn đến tăng nồng độ lithi trong huyết tương hoặc huyết thanh.
  • Dùng đồng thời ketorolac và probenecid làm giảm độ thanh thải và làm tăng nồng độ trong huyết tương, tăng diện tích dưới đường cong (AUC) toàn phần và tăng nửa đời của ketorolac.

Ðộ ổn định và bảo quản

  • Bảo quản thuốc tiêm và thuốc viên ketorolac ở nhiệt độ 15 - 300C, tránh ánh sáng; phải giữ thuốc viên trong lọ thật kín và tránh quá ẩm.

Tương kỵ

  • Không được trộn thuốc tiêm ketorolac trong cùng bơm tiêm với morphin sulfat, pethidin hydroclorid, promethazin hydroclorid hoặc hydroxyzin hydroclorid vì có thể bị tủa ketorolac.
  • Có thể pha thuốc với các dung dịch muối 0,9%, dextrose 5%, Ringer, Ringer lactat.

Quá liều và xử trí

  • Dùng quá liều có thể gây đau bụng và loét đường tiêu hóa, thường khỏi sau khi ngừng thuốc. Cần theo dõi người bệnh cẩn thận và điều trị theo các triệu chứng. Nếu suy thận, có thể cần thẩm tách máu. Tuy nhiên, thẩm tách không chắc đã loại được ketorolac ra khỏi cơ thể sau khi dùng quá liều; đã có thông báo ở người bệnh đang thẩm tách, có giảm độ thanh thải và kéo dài nửa đời của ketorolac.
Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ