Lercanidipine

Lercanidipine là gì?

  • Lercanidipine là một thuốc chẹn kênh calci thuộc họ dihydropyridin. Thuốc chẹn chọn lọc các kênh calci phụ thuộc điện thế typ L. Tác dụng chống tăng huyết áp là do liên quan trực tiếp đến tác dụng giãn cơ trơn mạch máu.

----------------------------------------------------

Chỉ định

  • Thuốc có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc khác trong điều trị tăng huyết áp.

Tương tác với các thuốc khác

  • Dantrolen (truyền): Các nghiên cứu trên động vật cho thấy việc dùng verapamil và dantrolen có thể gây rung thất và tử vong.
  • Tránh dùng các thuốc chẹn kênh calci với dantrolen vì nguy cơ tiềm ẩn. Tuy nhiên, có một số bệnh nhân điều trị nifedipin và dantrolen mà không xảy ra vấn đề gì.
  • Baclofen: Làm tăng hiệu quả hạ huyết áp của lercanidipine. Cần theo dõi huyết áp động mạch và điều chỉnh liều nếu thấy cần thiết. 
  • Rifampicin: Làm giảm nồng độ huyết tương của các thuốc chẹn kênh calci do tăng chuyển hóa thuốc qua gan. Theo dõi đáp ứng lâm sàng và có thể chỉnh liều thuốc chẹn kênh calci khi dùng cùng với rifampicin.
  • Các thuốc chống co giật gây cảm ứng enzym (carbamazepin, phenobarbital, phenytoin, primidon): giảm nồng độ của dihydropyridin trong huyết tương do tăng chuyển hóa thuốc qua gan. Theo dõi đáp ứng lâm sàng và có thể chỉnh liều thuốc chẹn kênh calci khi dùng cùng với các thuốc gây cảm ứng enzym.
  • Amifostin: tăng tác dụng hạ áp của lercanidipine.
  • Thuốc chẹn alpha-adrenergic (alfuzosin, prazosin, terazosin, tamsulosin): tăng tác dụng hạ áp của lercanidipine, nguy cơ giảm áp thế đứng.
  • Thuốc chẹn beta-adrenergic: nguy cơ giảm huyết áp, suy tim ở những bệnh nhân có suy tim tiềm ẩn hay không kiểm soát được (do tác dụng giảm co bóp cơ tim in vitro của các dihydropyridin, cộng thêm với tác dụng giảm co bóp cơ tim của các thuốc chẹn beta- adrenergic). Sự có mặt của một thuốc chẹn beta-adrenergic cũng có thể làm giảm phản xạ giao cảm của các dihydropyridin.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng (nhóm amipramin), thuốc an thần kinh: nguy cơ giảm huyết áp thế đứng.
  • Corticoids, tetracosactid, ngoại trừ liệu pháp thay thế hydrocortison trong bệnh Addison: giảm tác dụng tăng huyết áp (do tác dụng giữ nước của corticoid).
  • Không dùng đồng thời lercanidipine với các chất ức chế CYP3A4 (ví dụ: ketoconazole, itraconazole, ritonavir, erythromycin, troleandomycin, clarithromycin)
  • Tương tác với thực phẩm
    • Nước bưởi: nguy cơ tăng tác dụng không mong muốn, đặc biệt là phù, do giảm chuyển hóa qua gan của lercanidipine.
    • Nên tránh uống rượu vì nó có thể làm tăng tác dụng của thuốc hạ huyết áp làm giãn mạch.
    • Thận trọng khi sử dụng chung với các thực phẩm chức năng chiết xuất từ St. John’s Wort vì nó là chất cảm ứng Cyp3A4.
    • Dùng lercanidipine sau bữa ăn tăng sinh khả dụng.

Chống chỉ định

  • Mẫn cảm với các thành phần của thuốc. Đau thắt ngực không ổn định.
  • Nhồi máu cơ tim trong vòng một tháng. Suy thận nặng (Clcr < 10 ml/phút), kể cả bệnh nhân đang lọc máu. 
  • Bệnh nhân thẩm phân phúc mạc.
  • Suy gan nặng.
  • Suy tim sung huyết không được điều trị.
  • Dùng chung với chất ức chế mạnh CYP3A4, cyclosporin, bưởi hoặc nước ép bưởi.

Liều lượng & cách dùng

  • Cách dùng:
    • Thuốc uống ngày 1 lần, vào buổi sáng, trước khi ăn ít nhất 15 phút. Uống với một ít nước, không được uống với nước ép bưởi.
  • Liều lượng:
    • Liều khởi đầu: 5 mg, có thể đủ dùng cho một số người.
    • Liều thông thường: 10 mg, ngày 1 lần. Có thể tăng lên nếu cần thiết, sau ít nhất 2 tuần, tới 20 mg một ngày.
    • Nếu chưa đạt yêu cầu, có thể phối hợp thêm 1 thuốc chống tăng huyết áp khác.
    • Trẻ em
      • Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của lercanidipine HCl ở trẻ em dưới 18 tuổi.
    • Đối tượng khác 
      • Bệnh nhân lớn tuổi: Mặc dù dữ liệu dược động học và kinh nghiệm lâm sàng cho thấy không cần điều chỉnh liều hàng ngày, nhưng cần đặc biệt lưu ý khi bắt đầu điều trị ở người cao tuổi.
    • Bệnh nhân suy thận hoặc suy gan:
      • Cần đặc biệt thận trọng khi bắt đầu điều trị ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan hoặc thận nhẹ đến trung bình. 
      • Mặc dù chế độ liều khuyến cáo thông thường có thể được dung nạp bởi những phân nhóm này, việc tăng liều lên 20 mg mỗi ngày phải được dùng một cách thận trọng. 
      • Tác dụng hạ huyết áp có thể được tăng cường ở bệnh nhân suy gan và do đó cần cân nhắc điều chỉnh liều lượng.

Tác dụng phụ

  • Thường gặp 
    • Hạ huyết áp thế đứng (1%), đánh trống ngực (10%), phù ngoại biên (2%), đỏ bừng mặt (6%), phát ban (1%), đau đầu (5%), lợi tiểu (2%), nhịp tim nhanh.
  • Ít gặp 
    • Chóng mặt, huyết áp thấp, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, đau bụng trên, đau cơ, đa niệu, suy nhược, mệt mỏi.
  • Hiếm gặp
    • Quá mẫn, lơ mơ, ngất, đau thắt ngực, nôn mửa, tiêu chảy, mày đay, tức ngực.
  • Không xác định tần suất 
    • Phì đại nướu, tăng transaminase, phù mạch.

Lưu ý

  • Lưu ý chung
    • Trong trường hợp suy tim, thay đổi chức năng thất trái, cần đặc biệt theo dõi tình trạng huyết động của bệnh nhân.
    • Một số dihydropyridin tác dụng ngắn có thể làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch trên các bệnh nhân có bệnh mạch vành. Lercanidipine mặc dù có tác dụng kéo dài, song cũng cần thận trọng khi sử dụng trên các bệnh nhân bệnh mạch vành.
    • Thận trọng ở những bệnh nhân bị hội chứng xoang bệnh lý
  • Lưu ý với phụ nữ có thai
    • Các nghiên cứu trên động vật chưa cho thấy có bằng chứng gây quái thai hoặc độc tính trên phôi khi dùng lercanidipine. Hiện nay chưa có đủ dữ liệu để đánh giá tác dụng gây quái thai hoặc độc với phôi thai khi dùng lercanidipine cho người mang thai. Do đó, để an toàn, tốt nhất không nên dùng lercanidipine trong thời kỳ mang thai.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú
    • Không có đủ dữ liệu về sự thải trừ thuốc qua sữa mẹ. Tuy nhiên, để thận trọng, nên tránh sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú.
  • Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc
    • Lercanidipine có ảnh hưởng nhỏ đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc. Tuy nhiên, cần thận trọng vì có thể xảy ra chóng mặt, suy nhược, mệt mỏi và hiếm khi buồn ngủ.

Quá liều

  • Quá liều Lercanidipine và xử trí
    • Cũng như các dihydropyridin khác, dùng quá liều lercanidipine dẫn đến giãn mạch ngoại vi quá mức với hạ huyết áp rõ rệt và nhịp tim nhanh phản xạ. Tuy nhiên, ở liều rất cao, tính chọn lọc ngoại vi có thể bị mất, gây nhịp tim chậm và tác dụng co bóp âm tính. Các triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến các trường hợp quá liều là hạ huyết áp, chóng mặt, nhức đầu và đánh trống ngực.
  • Cách xử lý khi quá liều
    • Theo nguyên tắc chung của điều trị ngộ độc, gồm: rửa dạ dày, dùng than hoạt tính kết hợp với duy trì chức năng sống (liệu pháp oxy, thông khí, hồi sức hô hấp, tuần hoàn).
    • Trong trường hợp có loạn nhịp, đặc biệt chậm nhịp (do dùng thuốc chẹn beta-adrenergic) trên những bệnh nhân có nguy cơ, có thể cần phải đặt máy tạo nhịp tạm thời.
    • Trong trường hợp quá một liều lớn lercanidipine, cần truyền dung dịch gluconat calci, đảm bảo duy trì nhịp tim và cung lượng tim. Do lercanidipine có tác dụng kéo dài nên trong trường hợp quá liều, cần theo dõi các tác dụng trên tim mạch trong ít nhất 24 giờ. Thẩm phân phúc mạc không có hiệu quả.

Quên liều và xử trí

  • Uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên không uống nếu đã đến gần liều tiếp theo. Không dùng liều gấp đôi để bù liều đã quên.
Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ