Natri Acetat

Natri Acetat là gì?

  • Natri là cation chính của dịch ngoại bào, chiếm hơn 90% tổng số cation ở nồng độ huyết tương tương đương khoảng 140 mEq/L. Ion natri đóng vai trò chính trong việc kiểm soát tổng lượng nước, sự phân phối nước, cân bằng chất lỏng, điện giải, điều chỉnh thể tích dịch ngoại bào và áp suất thẩm thấu trong cơ thể. Các ion acetate hoạt động như chất nhận ion hydro thay thế cho bicarbonate.

----------------------------------------------------

Chỉ định

  • Ngăn ngừa hoặc điều chỉnh hạ natri huyết ở bệnh nhân không thể điều chỉnh bằng đường ăn uống.
  • Dùng để chống lại tình trạng nhiễm toan thông qua chuyển đổi thành bicarbonate.
  • Kiềm hóa nước tiểu.

Tương tác thuốc

  • Chưa có tương tác có ý nghĩa lâm sàng nào được biết đến.

Chống chỉ định

  • Tăng natri huyết và giữ nước.

Liều lượng & cách dùng

  • Liều dùng
    • Người lớn
      • Duy trì chất điện giải của natri trong dung dịch dinh dưỡng đường tiêm:
      • Chất điện giải duy trì acetate (IV): Hàm lượng acetate và chloride nên được điều chỉnh để duy trì cân bằng acid-base bằng dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch; sử dụng lượng acetate và chloride bằng nhau và điều chỉnh tỷ lệ dựa trên nhu cầu của từng bệnh nhân.
      • Điện giải duy trì natri (kết hợp acetate và chloride, nếu có) (IV): 1 – 2 mEq/kg/24 giờ; tùy chỉnh lượng dựa trên nhu cầu của từng bệnh nhân. Liều natri acetate tối đa: 100 – 150 mEq/24 giờ.
    • Trẻ em
      • Dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa, yêu cầu duy trì natri: 
      • Trẻ sơ sinh và trẻ em ≤ 50 kg (IV): 2 – 5 mEq/kg/ngày (bổ sung natri vào dung dịch dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch).
      • Trẻ em > 50 kg và thanh thiếu niên (IV): 1 – 2 mEq/kg/ngày (bổ sung natri vào dung dịch dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch).
      • Lưu ý: Có thể cần kết hợp các dạng muối để đáp ứng yêu cầu natri.
      • Nhiễm toan chuyển hóa (Dữ liệu còn hạn chế): 
      • Trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên: Mỗi mEq acetate được chuyển đổi 1:1 thành mEq bicarbonat (HCO3-); liều lượng phải dựa trên công thức liều lượng tiêu chuẩn nếu có sẵn các phép đo khí máu và pH.
  • Cách dùng
    • Lưu ý: Natri acetate khan (2 mEq/ml) 1 ml = 14 mg natri acetate khan = 2 mEq natri (46 mg) và acetate (118 mg).
    • Natri acetate (2 mEq/mL) phải được pha loãng trước khi sử dụng. 
    • Tiêm truyền từ từ để tránh quá tải và giữ nước. 
    • Không sử dụng nếu dung dịch không trong suốt, có cặn lắng (kiểm tra bằng mắt các chất dạng hạt hoặc đổi màu dung dịch trước khi dùng) và niêm phong không còn nguyên vẹn. 
    • Bỏ phần không sử dụng.

Tác dụng phụ

  • Thường gặp 
    • Viêm tĩnh mạch cục bộ, huyết khối. Rối loạn điện giải (pha loãng các chất điện giải trong huyết thanh), tăng natri huyết, tăng thể tích tuần hoàn, hạ calci huyết, hạ kali máu, nhiễm kiềm chuyển hóa, nhiễm độc nước. Chướng bụng, đầy hơi. Phù phổi.
  • Ít gặp 
    • Chưa có dữ liệu.
  • Hiếm gặp
    • Chưa có dữ liệu.

Lưu ý

  • Lưu ý chung
    • Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy thận, suy gan nặng.
    • Nguy cơ tăng natri huyết, rối loạn acid-base: Cần theo dõi chặt chẽ nồng độ natri huyết, hiệu chỉnh acid-base (nếu cần).
    • Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân phù nề, suy tim (HF): Theo dõi chặt chẽ tình trạng phù nề.
    • Sản phẩm tiêm có thể chứa nhôm; sử dụng liều cao, kéo dài sản phẩm tiêm làm tăng nồng độ nhôm đến mức gây độc hoặc rối loạn chức năng thận. Trẻ sinh non có nguy cơ cao hơn do chức năng thận chưa hoàn thiện và lượng nhôm hấp thụ từ các nguồn đường tiêm khác. Phơi nhiễm nhôm qua đường tiêm > 4 đến 5 mcg/kg/ngày có thể gây nhiễm độc thần kinh trung ương và xương.
    • Tránh thoát mạch.
    • Các dung dịch có chứa ion acetate nên được sử dụng hết sức cẩn thận ở những bệnh nhân bị nhiễm kiềm chuyển hóa hoặc hô hấp. 
    • Tiêm tĩnh mạch natri acetate có thể gây quá tải dịch và/ hoặc chất tan dẫn đến pha loãng nồng độ các chất điện giải khác trong huyết thanh, mất nước, tình trạng tắc nghẽn hoặc phù phổi. 
    • Cần thận trọng ở bệnh nhân thiểu niệu hoặc vô niệu.
    • Phải thận trọng khi truyền dịch đường tiêm, đặc biệt là dịch truyền có chứa ion natri cho bệnh nhân đang dùng corticosteroid hoặc corticotropin.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai
    • Loại C. Cân nhắc khi dùng cho phụ nữ mang thai.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú
    • Chưa có dữ liệu.
  • Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc
    • Chưa có dữ liệu.

Quá liều

  • Quá liều và xử trí
    • Nguy cơ quá tải tuần hoàn khi tiêm truyền lượng lớn natri.
  • Cách xử lý khi quá liều
    • Trong trường hợp dùng quá liều, ngừng truyền natri acetate ngay lập tức và tiến hành liệu pháp điều chỉnh theo chỉ định để giảm nồng độ natri huyết thanh tăng cao và khôi phục cân bằng acid-base nếu cần thiết.

Quên liều và xử trí

  • Chưa có dữ liệu.
Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ