Natri Valproat là gì?
- Natri Valproat là thuốc chống động kinh, bị phân ly thành ion valproat ở đường tiêu hóa.
----------------------------------------------------
Chỉ định Natri Valproat
- Cơn động kinh co giật toàn bộ; động kinh cục bộ; cơn mất trương lực; động kinh cơn vắng; cơn rung giật cơ; hưng cảm cấp.
Chống chỉ định Natri Valproat
- Bệnh gan đang hoạt động; tiền sử gia đình bị rối loạn chức năng gan; viêm tuỵ; rối loạn chuyển hoá porphyrin.
Thận trọng Natri Valproat
- Phải kiểm tra và theo dõi chức năng gan trước và trong 6 tháng đầu dùng thuốc (Phụ lục 5) đặc biệt ở những người bệnh có nguy cơ cao (trẻ dưới 3 tuổi, người bị rối loạn chuyển hoá, các bệnh thoái hoá, bệnh não thực thể, động kinh nặng kết hợp với chậm phát triển trí tuệ, người dùng nhiều thuốc chống động kinh); phải chắc chắn người bệnh không có khả năng bị chảy máu trước khi dùng thuốc hoặc trước phẫu thuật hoặc trước khi dùng thuốc chống đông; suy thận (Phụ lục 4); mang thai (xem Phụ lục 2); cho con bú (Phụ lục 3); lupus ban đỏ toàn thân; xét nghiệm ceton niệu dương tính giả; tránh ngừng thuốc đột ngột.
Tương tác thuốc Natri Valproat
- (Phụ lục 1). Cần hướng dẫn cho người bệnh các triệu chứng về rối loạn máu và chức năng gan, cần đi khám ngay nếu có các dấu hiệu của cơn động kinh không kiểm soát được, khó chịu, mỏi mệt, chán ăn, ngủ lịm, phù, nôn, đau bụng; buồn ngủ; vàng da; có vết bầm chảy máu. Thuốc làm giảm khả năng tập trung chú ý, hạn chế người bệnh bị động kinh lái xe.
Liều lượng và cách dùng Natri Valproat
- Không được nhai viên nang mà phải nuốt. Uống thuốc cùng bữa ăn. Nếu dùng liều trên 250 mg/ngày thì phải uống làm nhiều lần
- Cơn vắng ý thức đơn giản hoặc phức hợp: Liều ban đầu thường là 10 – 15 mg/kg/ngày. Có thể tăng 5 – 10 mg/kg/ngày cách nhau 1 tuần cho đến khi kiểm soát được cơn động kinh. Liều tối đa: 60 mg/kg/ngày.
- Động kinh co giật toàn bộ, động kinh cục bộ, cơn mất trương lực: Dùng theo đường uống, người lớn: liều ban đầu 600 mg/ngày, uống sau bữa ăn; cứ cách 3 ngày lại tăng liều thêm 200 mg cho tới liều tối đa là 2,5 g mỗi ngày, chia làm nhiều lần uống; liều duy trì thường là 1 – 2 g/ngày (20 – 30 mg/kg/ngày). Trẻ em tới 20 kg cân nặng: liều ban đầu là 20 mg/kg/ngày chia làm nhiều lần uống; có thể tăng liều nếu theo dõi được nồng độ thuốc trong huyết tương (cần theo dõi các thông số huyết học và sinh hoá nếu dùng liều trên 40 mg/kg/ngày). Trẻ trên 20 kg cân nặng: liều ban đầu là 400 mg/ngày, chia làm nhiều lần, tăng liều cho đến khi có tác dụng (thường từ 20 đến 30 mg/kg/ngày); tối đa là 35 mg/kg/ngày.
- Co giật ở trẻ 1 – 12 tuổi: Nếu chỉ dùng natri valproat thì uống liều ban đầu là 15 – 45 mg/kg/ngày, tăng dần cách nhau mỗi tuần 5 – 10 mg/kg/ngày nếu cần. Nếu dùng kết hợp với thuốc khác: uống 30 – 100 mg/kg/ngày. Điều chỉnh liều theo đáp ứng lâm sàng. Nhưng co giật do sốt cao thường dùng diazepam tiêm tĩnh mạch.
Tác dụng không mong muốn Natri Valproat
- Kích ứng đường tiêu hoá, tăng thèm ăn và tăng cân; tăng amoniac huyết; mất điều hoà vận động; run đầu chi; rụng tóc (tóc mọc lại có thể bị quăn); phù; giảm tiểu cầu, ức chế ngưng tập tiểu cầu; giảm chức năng gan, có khi gây suy gan nặng (xem phần Thận trọng – phải ngừng điều trị ngay nếu thấy khó chịu, mệt mỏi, suy nhược, ngủ lịm, phù, đau bụng, chán ăn, vàng da, ngủ gà hoặc bị động kinh không kiểm soát được); tăng mức tỉnh táo; rối loạn hành vi. Hiếm gặp: viêm tuỵ (phải định lượng amylase huyết nếu bị đau bụng cấp), giảm bạch cầu, giảm các loại tế bào máu, thiểu sản hồng cầu, giảm fibrinogen; triệu chứng ngoại tháp; rối loạn kinh nguyệt; mất kinh; vú to; nghe kém; hội chứng Fanconi; sa sút trí tuệ; viêm da hoại tử do ngộ độc; hội chứng Stevens-Johnson và viêm mạch; trứng cá; rậm lông.
Xử trí ADR Natri Valproat
- Theo dõi chặt chẽ các triệu chứng để phát hiện sớm; xét nghiệm chức năng gan, chức năng đông máu trước và trong điều trị; giảm liều hoặc ngừng thuốc.
Độ ổn định và bảo quản Natri Valproat
- Bảo quản nơi khô ráo, nhiệt độ 15 – 25 o C.