Nhân trần là gì?
- Nhân trần là cây thảo, mọc đứng, cao 40 – 70 cm, có khi đến 1 m. Thân tròn cứng, phủ đầy lông. Toàn thân và lá có mùi thơm.
----------------------------------------------------
Thành phần hóa học
- Nhiều nghiên cứu về Nhân trần trên thế thới đều cho thấy toàn thân cây có chứa tinh dầu với hàm lượng khoảng 1%. Trong đó chất paracymen là chủ yếu. Ngoài ra còn có limonen, pinen, cineol, anethol.
- Ngoài 1% tinh dầu ra thì dược liệu còn có nhiều thành phần hoạt chất như hàm lượng lớn chất chống oxy hóa flavonoid, polyphenol và coumarin, góp phần mang lại nhiều giá trị y học cho Nhân trần.
Công dụng
- Y học hiện đại
- Tác dụng tăng tiết mật: Nước sắc thuốc có tác dụng làm giảm trương lực cơ vòng Oddi của chó gây mê. Chất 6,7-dimethoxycoumarin có tác dụng lợi mật chủ yếu.
- Tăng cường chức năng thải trừ của gan.
- Kháng khuẩn: Giúp tiêu diệt các khuẩn gây viêm phổi, viêm não như tụ cầu vàng, mủ xanh, E.coli…
- Diệt giun: Thực hiện thí nghiệm trên giun đũa lợn thấy có kết quả tốt.
- Thành phần dầu bay hơi có tác dụng ức chế mạnh loại nấm gây bệnh ngoài da.
- Giảm mỡ máu, làm giãn mạch vành và hạ áp.
- Y học cổ truyền
- Vị đắng, tính bình, hơi hàn.
- Quy kinh Can, Vị, Đởm và Tỳ.
- Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi tiểu tiện, giảm vàng da, mát gan…
- Chủ trị: Trong y học cổ truyền, Nhân trần dùng chữa vàng da, sốt nóng, tiểu tiện không thông và giúp phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh.
Cách dùng và liều dùng
- Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng dược liệu Nhân trần theo nhiều cách khác nhau. Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc pha trà uống. Liều dùng mỗi ngày là 8 – 20g.
Một số bài thuốc kinh nghiệm
- Trị viêm gan cấp
- Nhân trần 18 – 24 g, Chi tử 12 g, Đại hoàng 6 – 8 g, sắc uống (Nhân trần cao thang – Thương hàn luận).
- Hoặc Nhân trần 30 – 45 g sắc uống ngày 3 lần. Hoàng Ngọc Thành dùng trị viêm gan cấp 32 ca đều khỏi, thuốc có tác dụng hạ sốt, hết vàng da, gan nhỏ nhanh, thời gian điều trị 3 – 15 ngày, phần lớn trong 7 ngày khỏi (Tạp chí Trung y dược Phúc Kiến 1959,7:42).
- Trị viêm gan vàng da, tiểu ít
- Nhân trần 16 g, Bạch truật 12 g, Trạch tả 12 g, Bạch linh, Trư linh đều 12 g, Quế chi 6 g, sắc uống (Nhân trần ngũ linh tán – Kim quỹ yếu lược).
- Hoặc Nhân trần 30 g, Mã đề kim 25 g, sắc uống (Trung Quốc dân gian bách bệnh lương phương).
- Trị viêm túi mật
- Nhân trần cao, Bồ công anh, Quảng uất kim đều 40 g, Khương hoàng 16 g, sắc uống.
- Trị mỡ máu cao
- Nhân trần 30 g, Sơn tra 20 g, Sinh mạch nha 15 g. Sắc uống (Trung Quốc dân gian bách bệnh lương phương).
- Chữa say nắng, nhức đầu, sốt nóng
- Nhân trần, Hành trắng mỗi vị lượng bằng nhau (khoảng 1 nắm). Tất cả đem sắc lấy nước uống (Nam dược thần hiệu).
- Hạ sốt, làm ra mồ hôi
- Nhân trần 16 g, Hoạt thạch 20 g, Hoàng cầm 12 g, Thạch xương bồ 8 g, Mộc thông 8 g, Hoắc hương 6 g, Xuyên bối mẫu 8 g, Xạ can 6 g, Liên kiều 6 g, Bạc hà 6 g, Bạch đậu khấu 6 g. Sắc lấy nước uống.
Kiêng kỵ
- Không nên kết hợp Nhân trần với Cam thảo. Lý do là vì Nhân trần có tính chất đào thải nước còn Cam thảo lại giữ nước. Do đó, khi kết hợp hai thảo dược này với nhau, chúng có thể gây tương tác thuốc, không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị mà còn tăng tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nếu không có vấn đề về gan thì tốt nhất không nên dùng Nhân trần. Khi uống nhiều dược liệu này có thể làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể, dẫn đến mẹ bị mất sữa hoàn toàn hoặc chỉ có rất ít.
- Ngoài ra, bạn không nên uống trà Nhân trần hằng ngày. Nguyên nhân là vì vị thuốc có tác dụng lợi tiểu nên dẫn đến đào thải nhiều nước và các chất dinh dưỡng ra ngoài. Từ đó, bạn dễ bị mất nước, mệt mỏi, thiếu tập trung. Hơn nữa, nếu gan, mật không có vấn đề thì việc uống trà Nhân trần hằng ngày sẽ khiến các cơ quan này phải tăng bài tiết, dẫn đến dễ tổn thương, mất cân bằng và dễ sinh bệnh.