Oseltamivir

Oseltamivir là gì?

  • Oseltamivir là tiền chất của oseltamivir carboxylat (chất chuyển hóa của thuốc), chất này có tác dụng ức chế enzym neuraminidase của virus là enzym có vai trò thiết yếu giải phóng các hạt virus cúm typ A và typ B mới được hình thành trong tế bào bị nhiễm và làm virus lan truyền khắp cơ thể.

----------------------------------------------------

Chỉ định

  • Điều trị cúm typ  A (bao gồm cả cúm A H5N1 từ gia cầm truyền sang người) và cúm typ B ở trẻ em từ 1 tuổi trở lên và cho người lớn, đã có triệu chứng điển hình của cúm không quá 48 giờ, trong thời gian có cúm virus lưu hành. Chỉ định được khuyến cáo đặc biệt đối với người có nguy cơ cao (người trên 65 tuổi hoặc có 1 trong những bệnh sau: Bệnh hô hấp mạn kể cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim - mạch nặng trừ bệnh tăng huyết áp, bệnh thận mạn, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường.
  • Dự phòng cúm (trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm và trong thời gian có dịch cúm) cho người lớn và trẻ em từ 13 tuổi trở lên, đặc biệt đối với người có nhiều nguy cơ (chưa được bảo vệ hữu hiệu bằng vaccin cúm, nhân viên y tế chăm sóc trực tiếp người bệnh và có thể bắt đầu dùng oseltamivir trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm).

Chống chỉ định

  • Dị ứng với oseltamivir hoặc với một tá dược trong chế phẩm.

Thận trọng

  • Với bệnh nhân suy gan.
  • Với bệnh nhân suy thận vừa hoặc nặng: giảm liều, theo dõi bệnh nhân. Nếu độ thanh thải creatinin là 10 – 30 ml/phút thì giảm liều điều trị còn 75 mg/ngày, uống trong 5 ngày.
  • Với bệnh nhân mắc bệnh bẩm sinh không dung nạp fructose: lượng sorbitol có trong thành phần của chế phẩm dạng nước cao hơn liều giới hạn (liều 45 mg, ngày 2 lần chứa 2,6 g sorbitol).

Thời kỳ mang thai

  • Không dùng thuốc cho phụ nữ mang thai. Hiện chưa rõ thuốc có qua nhau thai và ảnh hưởng lên thai không.

Thời kỳ cho con bú

  • Hiện chưa rõ thuốc có được bài tiết qua sữa người không nhưng thuốc được bài tiết vào sữa ở động vật thí nghiệm. Không nên dùng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú. Chỉ dùng khi thật cần thiết.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

  • Tỷ lệ mắc ADR phụ thuộc vào liều dùng.
  • Thường gặp, ADR > 1/100
    • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng, khó tiêu, ỉa chảy
    • Toàn thân: Nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, chóng mặt.
    • Mắt: Viêm kết mạc.
  • Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
    • Chảy máu cam, rối loạn thính lực, nổi mẩn, ho, khó thở.
  • Hiếm gặp, ADR < 1/1000
    • Gan: Viêm gan cấp
    • Thận: Viêm thận cấp
    • Máu: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

  • Điều trị triệu chứng.
  • Theo dõi chức năng thận của bệnh nhân, phát hiện và điều trị thích hợp ngay các dấu hiệu tổn thương thận.
  • Ngừng dùng thuốc nếu có giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu.

Liều lượng và cách dùng

  • Phòng cúm cho người trên 13 tuổi tiếp xúc với nguồn bệnh: Mỗi lần uống 75 mg, ngày một lần trong ít nhất là 7 ngày sau khi phơi nhiễm. Trong khi có dịch: 75 mg, ngày 1 lần trong 6 tuần. Chưa rõ an toàn và hiệu quả của thuốc ở trẻ dưới 13 tuổi. Uống thuốc với nhiều nước. Phải uống đủ liều và đủ thời gian quy định. Có thể uống thuốc lúc no hoặc lúc đói nhưng uống lúc no sẽ làm bớt khó chịu ở dạ dày.
  • Điều trị cúm ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Mỗi lần 75 mg, 12 giờ một lần trong 5 ngày. Trẻ từ 1 đến 12 tuổi, cân nặng từ 15 kg trở xuống: 30 mg mỗi lần, 12 giờ một lần; cân nặng 16 – 23 kg: 45 mg mỗi lần, 12 giờ một lần; cân nặng 24 – 40 kg: 60 mg mỗi lần, 12 giờ một lần; cân nặng trên 40 kg: liều người lớn. Uống thuốc viên với nhiều nước. Phải uống đủ liều và đủ thời gian quy định ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm. Có thể uống thuốc lúc no hoặc lúc đói nhưng uống lúc no sẽ làm bớt khó chịu ở dạ dày. Trẻ em dưới 12 tuổi nên dùng thuốc dạng nước và phải dùng thìa hoặc dụng cụ đong bán kèm thuốc để đong thuốc nước cho đúng liều lượng.
  • Phải uống các liều cách đều nhau. Nếu chót quên uống thuốc đúng giờ thì phải uống ngay khi nhớ, sau đó tiếp tục uống theo giờ đã định. Nếu chênh so với giờ đáng lẽ phải uống trong vòng 2 giờ thì bỏ qua liều đã quên và chỉ uống liều theo đúng giờ. Cần giữ khoảng cách giữa các liều là 12 giờ. Không uống gấp đôi liều.
  • Liều khuyên dùng cho người lớn bị suy thận: hệ số thanh thải creatinin trên 30 ml/phút: 75 mg mỗi lần (ngày 2 lần để điều trị, ngày 1 lần để phòng bệnh); hệ số thanh thải creatinin từ 10 đến 30 ml/phút: 75 mg mỗi lần (mỗi ngày 1 lần để điều trị, hai ngày một lần để phòng bệnh); không dùng thuốc cho người có hệ số thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút và người đang chạy thận nhân tạo.
  • Không cần điều chỉnh liều ở người cao tuổi, trừ khi bị suy thận nặng.
  • Bệnh nhân không phải kiêng thức ăn, đồ uống nào khi dùng oseltamivir, trừ trường hợp cụ thể do thầy thuốc căn dặn.

Tương tác thuốc

  • Dùng đồng thời với probenecid làm nồng độ oseltamivir carboxylat có thể tăng lên gấp đôi.
  • Do oseltamivir ít gắn vào protein huyết và chuyển hóa không phụ thuộc vào cytochrom P450, nên hầu như không tương tác với các thuốc khác như paracetamol, acid acetylsalicylic, cimetidin, các thuốc chống acid (magnesi, nhôm hydroxyd, calci carbonat). Oseltamivir không tương tác với amoxicilin dù cùng được đào thải qua thận; tuy vậy vẫn cần chú ý khi dùng đồng thời với clorpropamid, methotrexat, phenylbutazon.

Độ ổn định và bảo quản

  • Bảo quản thuốc viên ở nhiệt độ từ 15 đến 30°C, tránh ẩm mốc.
  • Bảo quản thuốc nước trong tủ lạnh 2 - 8°C, không được để vào ngăn đá tủ lạnh. Thuốc nước dùng trong 10 ngày, nếu thừa phải đổ đi.

Quá liều và xử trí

  • Chưa có kinh nghiệm về quá liều, triệu chứng của quá liều có thể là buồn nôn và nôn. Phải ngừng thuốc ngay. Không có thuốc giải độc đặc hiệu.
Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ