Phá cố chỉ (Phá cố tử) là gì?
- Phá cố chỉ còn được biết đến với tên gọi là Bổ cốt chi hay Đậu miêu. Phá cổ chỉ là loại cây thuộc họ Đậu, có tên khoa học là Cullen corylifolium (L.) Medik. Đây là loại cây nhỏ, cao khoảng 0,3-1m, mọc hằng năm. Trên thân cây được bao trùm bởi lông nhỏ màu trắng. Lá cây có hình trứng, đáy lá tròn, mép có răng cưa, mọc so le nhau. Hoa phá cố chỉ mọc thành chùm dài khoảng 6-10cm ở kẽ lá. Quả có hình trứng màu đen, kích thước chiều dài khoảng 5mm, rộng 3mm. Hạt có màu đen hoặc nâu, hình trứng dẹt hay hình thận. Trên bề mặt hạt, có vân hình những hạt nhỏ giữa hơi lõm.
----------------------------------------------------
Phá cố chỉ có tác dụng gì?
- Phá cố chỉ là loại dược liệu có vị cay, đắng, tính đại ôn. Trong dân gian, loại dược liệu này có tác dụng như một loại thuốc bổ dùng cho người già yếu, đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều, hoạt tinh. Phụ nữ dùng dược liệu này để chữa khí hư, kinh nguyệt không đều. Bộ phận dùng làm thuốc của dược liệu này là hạt, sau khi phơi khô có thể dùng sống hoặc chế biến bằng một số cách như sao, chích muối, chích rượu.
- Phá cố chỉ sao: lấy hạt dược liệu sao nhỏ lửa đến khi vàng, có mùi thơm.
- Phá cố chỉ chích muối: cho 10kg phá cố chỉ vào 0,2 kg nước muối trộn đều. Để khoảng một giờ cho hạt dược liệu ngậm hết nước muối rồi sao nhỏ lửa cho phồng. Có thể ngâm hạt dược liệu phá cố chỉ này với rượu rồi nước trong 12 giờ trước khi cho ngậm nước muối. Sau đó, vớt ra, phơi đến khi khô mới tẩm muối.
- Phá cố chỉ chích rượu: ngâm 10kg dược liệu này trong 2 lít rượu, để khoảng 1 giờ cho hút hết rượu rồi sao lửa nhỏ đến khi có mùi thơm.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ phá cố chỉ
- Nhờ vào tác dụng của phá cố chỉ mà người ta đã chế tạo các bài thuốc dân gian chữa một số bệnh như viêm phế quản, bạch biến, di tinh,... Dưới đây là một số bài thuốc từ phá cố chỉ bạn nên tham khảo.
- Bài thuốc chữa viêm phế quản mạn tính, tức ngực, khó thở
- Chuẩn bị: phá cố chỉ, thỏ ty tử, hồ đào nhục, nhũ hương, trầm hương, một dược mỗi vị 6g cùng mật ong
- Chế hoàn hoặc sắc uống trong ngày.
- Bài thuốc chữa bệnh bạch biến
- Hạt phá cố chỉ giã hay đập dập, cho thêm một lượng cồn etylic 30 độ, ngâm từ 3- 4 tuần. Lấy dịch chấm vào vùng da bị bệnh.
- Bài thuốc trị tiểu tiện nhiều lần
- Chuẩn bị: phá cố chỉ (chích muối), đồng lượng, tiểu hồi vi sao. Tán tất cả các dược liệu thành hỗn hợp bột mịn.
- Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 3-5 g, uống trước bữa ăn 1 giờ.
- Bài thuốc trị không tự chủ được tiểu tiện
- Chuẩn bị: phá cố chỉ (chích muối), thục địa, kim anh, khiếm thực, ngưu tất mỗi vị 12g; phục linh, trạch tả, phụ tử chế, tang phiêu tiêu mỗi vị 8g; 16g hoài sơn; 4g nhục quế.
- Sắc uống 1 thang/ngày, chia 3 lần, uống sau bữa ăn 1,5-2 giờ. Có thể dùng dược liệu phá cố chỉ trị đái dầm bằng cách, sau khi chích muối, đem tán bột mịn, uống 2 lần/ngày, mỗi lần 3-5g.
- Trị liệt dương, di tinh, tiểu tiện không tự chủ, đau lưng gối đau
- Chuẩn bị: 12g phá cố chỉ (chích muối); hồ đào nhục (nhân hạt óc chó), ba kích, đương quy, thục địa, đều chích rượu, mỗi vị 10g; nhục quế, tiểu hồi, mỗi vị 6g.
- Các vị được tán bột mịn, uống 20g/ngày, chia thành 3 lần. Có thể ngâm rượu uống hoặc sắc lên uống.
- Trị tiêu chảy mạn tính
- Chuẩn bị: phá cố chỉ, hoài sơn, sâm bố chính, tục đoạn, mỗi vị 12g; nhục quế, trần bì, can khương, nam mộc hương, sa nhân, mỗi vị 8g.
- Tán các vị thành bột mịn, uống 20g/ngày chia 2-3 lần, uống trước bữa ăn 1 giờ.
- Trị thiếu máu nguyên nhân do tủy xương
- Chuẩn bị: phá cố chỉ, hà thủ ô đỏ (chế), hoàng tinh, thỏ ty tử, đảng sâm, lộc giác mỗi vị 20g; phục linh, đương quy, đại táo mỗi vị 12g; 4g lộc nhung.
- Sắc uống 1 thang/ngày, chia 3 lần, sau bữa ăn 1,5-2 giờ.
- Trị chứng giảm bạch cầu
- Chuẩn bị phá cố chỉ sao vàng có mùi thơm, tán thành bột mịn, uống 3g/ngày hoặc luyện mật làm hoàn, uống lượng tương đương với 3g bột mịn.
Một số lưu ý khi sử dụng phá cố chỉ
- Những người viêm loét dạ dày, viêm đường tiêu hóa không nên dùng phá cố chỉ, vì dược liệu này có tác dụng hoạt huyết sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt các trường hợp có nguy cơ xuất huyết, trĩ xuất huyết, rong kinh, băng huyết ở phụ nữ.
- Khi sử dụng bôi ngoài, cũng không nên dùng dung dịch quá đặc hoặc bôi quá nhiều lần trong ngày, đề phòng trường hợp rộp da.