Terbutalin

Terbutalin là gì?

  • Terbutalin, một chất chủ vận beta2-adrenergic, có tác dụng kích thích thụ thể beta của hệ thần kinh giao cảm, rất ít tác dụng trên thụ thể alpha. Tác dụng chính của terbutalin là làm giãn cơ trơn phế quản và mạch ngoại vi.

----------------------------------------------------

Chỉ định

  • Điều trị triệu chứng cơn hen phế quản và đợt kịch phát của viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phế thũng khi co thắt phế quản còn hồi phục được.
  • Xử trí doạ đẻ non trong một số trường hợp được chọn lọc.

Chống chỉ định

  • Dạng uống: Mẫn cảm với terbutalin và các thuốc giống thần kinh giao cảm khác.
  • Dạng tiêm: Liên quan đến tác dụng tim mạch của terbutalin: Suy tim nặng; nhiễm độc giáp trạng; tăng huyết áp nặng hoặc chưa kiểm soát được (kể cả tăng huyết áp do nhiễm độc thai nghén); sản giật, tiền sản giật.
  • Dạng xịt: Không dung nạp thuốc, khi bơm xịt thuốc xuất hiện cơn co thắt phế quản hoặc ho nhiều. Đái tháo đường.
  • Trong xử trí doạ đẻ non: Nhiễm khuẩn nước ối, chảy máu tử cung, kéo dài giữ thai nếu có nguy hiểm cho mẹ hoặc con (đặc biệt khi đã vỡ ối, cổ tử cung giãn trên 4 cm ...).

Thận trọng

  • Hết sức thận trọng khi dùng terbutalin để làm giảm cơn co tử cung trong doạ đẻ non vì chính nhà sản xuất đã khuyến cáo không nên dùng do có nhiều tai biến.
  • Cần thận trọng khi dùng terbutalin sulfat cho người bệnh bị đái tháo đường, cường giáp; có tiền sử co giật; bệnh tim, kể cả thiếu máu cơ tim và loạn nhịp tim; cao huyết áp.
  • Cần lưu ý các nhà thể thao là thuốc này có thể làm phản ứng dương tính khi làm test chống doping.

Thời kỳ mang thai

  • Để điều trị cơn hen phế quản, đã có đủ thời gian và chứng cứ để có thể kết luận là terbutalin hít, uống, hoặc tiêm dưới da không gây hại cho người mang thai. Trong khi mang thai, thuốc thường làm nhịp tim thai nhanh, song song với nhịp tim của mẹ. Nhưng khi sinh ra, rất hãn hữu còn nhịp tim nhanh. Đường huyết sau khi sinh cũng rất ít bị rối loạn. Nhưng nếu dùng thuốc trong thời kỳ chuyển dạ, cần phải chú ý đến tác dụng giãn mạch ngoại biên của thuốc giống thần kinh giao cảm beta2 và đến đờ tử cung.
  • Để làm giảm cơn co tử cung trong xử trí doạ đẻ non, phải chỉ định đúng cho 1 số sản phụ vì có nhiều tai biến nguy hiểm và chú ý là nhà sản xuất khuyến cáo không dùng.

Thời kỳ cho con bú

  • Terbutalin tiết được vào sữa mẹ, nhưng thường với lượng ít, không đủ gây hại cho trẻ bú mẹ. Tuy nhiên, vẫn cần dùng thận trọng và cân nhắc giữa lợi ích cho mẹ và tác hại cho con. Muốn dùng thuốc mà không ảnh hưởng đến con, thì nên ngừng cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

  • Khi tiêm tĩnh mạch, terbutalin có thể gây ra nhiều tai biến. Cần theo dõi thường xuyên và ngừng thuốc ngay khi có tai biến nặng. Sau đây là tai biến khi uống, hít hoặc tiêm dưới da.
  • Thường gặp, ADR > 1/100
  • Tim mạch: Tăng nhịp tim, thay đổi huyết áp, đánh trống ngực.
  • Thần kinh: Kích động thần kinh, run cơ, chóng mặt.
  • Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
  • Thần kinh: Nhức đầu, buồn nôn, nôn; bồn chồn, khó ngủ, hoặc ngủ lịm, ngủ gà; người yếu; nóng bừng mặt, ra mồ hôi, tức ngực, co cơ, ù tai.
  • Da: Đau ở chỗ tiêm dưới da; nổi mày đay, ban da.
  • Phổi: Phù phổi.
  • Chuyển hoá: Không dung nạp glucose, tăng glucose huyết, giảm kali huyết.
  • Hiếm gặp, ADR < 1/1000
  • Thần kinh: Cơn co giật, quá mẫn.
  • Tim mạch: Viêm mạch.
  • Gan: Tăng enzym gan.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

  • Các tai biến khi dùng terbutalin uống, hít hoặc tiêm dưới da thường thoáng qua và không cần điều trị. Tuy nhiên, nhịp tim tăng thường kéo dài tương đối lâu.
  • Cần định lượng glucose huyết (terbutalin làm tăng glucose huyết), kali huyết (terbutalin làm hạ kali huyết), ghi điện tim, trước và trong quá trình điều trị. Nếu có thay đổi nhiều, phải ngừng thuốc.

Liều lượng và cách dùng

  • Cách dùng: Xem Dược thư quốc gia VN I, chuyên luận Salbutamol (trang 862, 865), phác đồ điều trị hen phế quản trong chuyên luận Điều trị hợp lý bệnh hen (trang 45).
  • Terbutalin là một thuốc chủ vận beta2 tác dụng nhanh và ngắn, nên chỉ dùng dạng hít khi có yêu cầu (để cắt cơn hen), không dùng thường xuyên. Nếu cần phải hít thuốc thường xuyên (tối đa 1 lần/ngày) thì phải dùng thêm thuốc chống viêm (corticoid dạng hít).
  • Dạng hít:
    • Khí dung: Người lớn và trẻ em: 250 - 500 microgam (1 - 2 xịt). Đối với triệu chứng dai dẳng, tối đa 3 - 4 lần/ngày.
    • Phun sương: Người lớn 5 - 10 mg ngày 2 - 4 lần; có thể dùng thêm nếu hen cấp nặng.
    • Trẻ em cho tới 3 tuổi: 2 mg, ngày 2 - 4 lần; 3 - 6 tuổi: 3 mg, ngày 2 - 4 lần; 6 - 8 tuổi: 4 mg ngày 2 - 4 lần; trên 8 tuổi: 5 mg, ngày 2 - 4 lần.
    • Hít bột (turbohaler): 500 microgam (1 lần hít); nếu triệu chứng dai dẳng có thể cho hít tới 4 lần/ngày.
  • Dạng viên: (khi hít không hiệu quả) Uống:
    • Người lớn: Liều thông thường ban đầu 2,5 - 3 mg ngày uống 3 lần, nếu cần có thể tăng tới 5 mg ngày uống 3 lần. Tổng liều không quá 15 mg/24 giờ.
    • Trẻ em: Không dùng thuốc viên uống cho trẻ dưới 12 tuổi. Trẻ từ 12 - 15 tuổi dùng liều 2,5 mg/lần, ngày uống 2 - 3 lần. Tổng liều không quá 7,5 mg/ngày.
  • Dạng tiêm: Để điều trị co thắt phế quản nặng, có thể tiêm dưới da, bắp, hoặc tiêm tĩnh mạch chậm.
    • Người lớn: 250 - 500 microgam, tối đa 4 lần/ngày.
    • Trẻ em 2 - 15 tuổi: 10 microgam/kg, tối đa 300 microgam (tổng liều)
    • Tiêm truyền tĩnh mạch liên tục, dùng dung dịch chứa 3 - 5 microgam/ml, truyền với tốc độ 0,5 - 1 ml/phút đối với người lớn (1,5 - 5 microgam/phút, trong 8 - 10 giờ).
    • Phải giảm liều đối với trẻ em.
    • Xử trí doạ đẻ non (mục đích để trì hoãn chuyển dạ ít nhất trong 48 giờ để áp dụng liệu pháp corticosteroid hoặc để chuyển sản phụ đến 1 đơn vị tăng cường)
    • Terbutalin được truyền nhỏ giọt tĩnh mạch trong dung dịch glucose 5%, nên dùng bơm tiêm tự động khi nồng độ là 100 microgam/ml. Nếu không có bơm tiêm tự động, phải dùng nồng độ 10 microgam/ml. Tốc độ ban đầu được khuyến cáo là 5 microgam/phút, cách 20 phút tăng lên thêm khoảng 2,5 microgam/phút, cho tới khi hết cơn co tử cung. Thông thường, tốc độ tới 10 microgam/phút là đủ; không được truyền với tốc độ vượt quá 20 microgam/phút. Nếu tốc độ tối đa này không làm trì hoãn chuyển dạ thì phải ngừng truyền. Trong suốt thời gian truyền, phải theo dõi mạch của mẹ để tránh tần số tim vượt quá 135 - 140 nhịp đập/phút. Phải theo dõi chặt tình trạng bồi phụ nước cho người mẹ, vì đưa dịch nhiều được coi là 1 nguy cơ chính gây phù phổi cấp. Một khi hết cơn co tử cung và truyền thuốc đã được 1 giờ, cách 20 phút lại giảm liều khoảng 2,5 microgam/phút cho tới khi đạt được liều duy trì thấp nhất mà không còn cơn co. Sau 12 giờ, có thể bắt đầu duy trì bằng đường uống, 5 mg ngày uống 3 lần. Tuy nhiên, cách dùng này không được khuyến cáo, vì nguy cơ đối với mẹ tăng sau 48 giờ. Hơn nữa, không có lợi thêm khi điều trị thêm. Cũng có thể sau khi tiêm truyền, cho tiêm dưới da 250 microgam ngày 4 lần trong 1 ít ngày trước khi bắt đầu cho uống.

Tương tác thuốc

  • Với thuốc kích thích giao cảm: Terbutalin không được dùng đồng thời với các thuốc kích thích giao cảm, vì khả năng làm tăng tai biến trên hệ tim mạch. Tuy nhiên, khí dung thuốc kích thích giao cảm (làm giãn phế quản), có thể được dùng để làm mất co thắt phế quản cấp, ở người bệnh vẫn đang dùng terbutalin uống kéo dài.
  • Với dẫn chất của theophylin: Có bằng chứng nhờ những nghiên cứu trên động vật cho thấy, dùng đồng thời thuốc giống thần kinh giao cảm (kể cả terbutalin) và dẫn chất của theophylin như aminophylin, có thể làm tăng độc tính trên tim, như gây loạn nhịp tim.
  • Thuốc ức chế MAO hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng làm tăng tác hại trên hệ tim mạch khi phối hợp với terbutalin. Do đó, khi cần phối hợp, phải hết sức thận trọng.
  • Halothan: Trong các can thiệp ngoại khoa, khi phối hợp, có thể gây đờ tử cung với nguy cơ xuất huyết; ngoài ra, có thể gây nguy cơ rối loạn nhịp thất nặng.

Độ ổn định và bảo quản

  • Các dạng terbutalin phải được bảo quản ở nơi có nhiệt độ 15 – 30oC, tránh ánh sáng. Thuốc viên hoặc siro phải để trong đồ bao gói kín. Dung dịch thuốc tiêm không được dùng nếu thấy biến màu. Terbutalin tiêm có tuổi thọ 2 năm, còn viên là 3 năm tính từ ngày sản xuất.

Tương kỵ

  • Không được pha loãng dung dịch terbutalin sulfat trong các dung dịch kiềm. Thuốc ổn định trong các dung dịch có pH dưới 7.

Quá liều và xử trí

  • Triệu chứng: Dùng quá liều terbutalin sẽ gây ra các biểu hiện của tai biến như phần tác dụng không mong muốn, nhưng mức độ nặng hơn.
  • Xử trí: Điều trị quá liều cấp tính bao gồm chữa triệu chứng, liệu pháp hỗ trợ tim và hô hấp. Cần gây nôn, sau đó rửa dạ dày, nếu thuốc mới được dùng, và người bệnh còn tỉnh. Nếu người bệnh không nôn được (như người bệnh không còn nhận thức), thì rửa dạ dày sau khi đã đặt ống nội khí quản. Cho một ống nội khí quản, bơm phồng lên để ngăn hít phải các chất trong dạ dày. Dùng than hoạt có thể có ích. Phải theo dõi liên tục người bệnh cho đến khi hồi phục.
Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ