Thạch hộc

Thạch hộc là gì?

  • Thạch hộc còn có nhiều tên gọi khác như kim thạch hộc, hoàng thảo cẳng gà, kép thảo, co vàng sao, hoàng thảo dẹt, kim thoa hoàng thảo, lan phi điệp, phi điệp kép, huỳnh thảo… Danh pháp khoa học của loài cây này là Herba Dendrobii (Dendrobium nobile Lindl. Orchidaceae). Thạch hộc thuộc chi lan hoàng thảo, là dược liệu quý hiếm với khoảng 1.000 loài khác nhau trên thế giới

----------------------------------------------------

Thành phần hóa học

  • Trong cây thuốc thạch hộc người ta tìm thấy các thành phần hóa học gồm alkaloid 0,3% cùng với các thành phần được phân lập là 3-hydroxy-2-oxydendrobine, 4-hydroxydendroxine, dendrine, dendrobine, nobilonine, 6-hydroxydendrobine, dendramine, dendroxine, 6-hydroxydendroxine.
  • Ngoài ra một số tài liệu nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng dược liệu có chứa thành phần gồm 5 gốc amoni bậc bốn, gồm có N-methyldendrobinium, N-isopentenyldendrobinium, dendrobine N-oxide, và N-isopentenyl-6-hydroxydendroxinium.
  • Bên cạnh đó, cây cũng chứa các thành phần khác như daucosterol, β-sitosterol, denbinobin, nobilomethylene.

Tác dụng của Thạch hộc

  • Theo y học cổ truyền
    • Thạch hộc có vị mặn, hơi ngọt, tính hơi lạnh, quy vào 3 kinh là phế, vị và thận. Dược liệu có nhiều công dụng như hỗ trợ tiêu hóa, chỉ khát, sinh tân dịch, ích vị, thanh nhiệt, bổ âm.
    • Ngoài ra, theo Đông y thì dược liệu này còn có nhiều tác dụng khác như tăng cường sức lực, bổ dạ dày, bổ thận sinh tinh, bổ gan và mật, cải thiện thị lực, phòng tránh đục thủy tinh thể, giảm cân, kéo dài tuổi thọ.
  • Theo y học hiện đại
    • Ức chế hô hấp, tăng đường huyết, hạ nhiệt, giảm đau: Trong dược liệu có chứa thành phần dendrobin. Khi được thử nghiệm trên thỏ cô lập cho thấy khả năng ức chế nhu động ruột, ức chế hô hấp, tăng đường huyết nhẹ, hạ nhiệt, giảm đau.
    • Ảnh hưởng đến thần kinh: 2 hoạt chất có trong dược liệu là nobulin và dendrobin có tác dụng khử cực thần kinh, gây ra hiện tượng co giật mạnh giống với strychnin.
    • Tăng cường hệ miễn dịch: Hàm lượng dồi dào polysaccarite có trong thạch hộc giúp nâng cao sức khỏe hệ miễn dịch.
    • Bổ tỳ và dạ dày: Một số tài liệu đã cho rằng lan phi điệp có công dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày.
    • Giảm lượng đường trong máu: Qua các nghiên cứu lâm sàng, thảo dược được cho là có khả năng thúc đẩy hoạt động của insulin, kiểm soát lượng đường trong máu ở mức bình thường.

Một số vị thuốc từ Thạch hộc

  • Trị viêm dạ dày: Giá đậu tươi, bắc sa sâm lông mỗi vị 16g; trúc nhự tươi, bạch biển đậu, hoa phấn, mạch môn, thạch hộc mỗi loại 12g. Dùng mỗi ngày 1 thang.
  • Trị suy nhược cơ thể sau khi sốt cao do nhiễm khuẩn: Sa sâm, tang diệp, mạch môn, thạch hộc mỗi vị 12g, ma hoàng 4g, ô mai 6g, ngọc trúc 8g, bạch truật 10g. Dùng mỗi ngày 1 thang.
  • Trị chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đau lưng gối: Ngưu bàng tử, bạc hà, hạt tía tô, a giao mỗi loại 8g, kỷ tử 12g, thục địa 12g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, thạch hộc 12g. Uống mỗi ngày 1 thang.
  • Trị chứng hay quên, ù tai, khó ngủ, hoa mắt chóng mặt, suy nhược thần kinh: 8g táo nhân, 8g cúc hoa, 8g địa cốt bì, 8g trạch tả, 12g mẫu lệ, 12g hạ khô thảo, 12g mạch môn, 12g sa sâm, 12g kỷ tử, 16g long cốt, 16g câu đằng, 12g thạch hộc. Dùng mỗi ngày 1 thang.
  • Trị thổ huyết, khô khát, người gầy sạm đen, âm hư hỏa bốc: Ngũ vị tử 3g, ngưu tất, thiên môn, sa sâm, đan sâm, thục địa, sinh địa, thạch hộc mỗi loại 16g. Sắc lấy nước uống 1 thang/ngày.
  • Điều trị người gầy mòn, chữa hư lao: Đỗ trọng, ngưu tất, kỷ tử, chích cam thảo, ngũ vị tử, mạch môn mỗi loại 4g; đảng sâm, thạch hộc mỗi loại 6g.

Lưu ý khi sử dụng Thạch hộc

  • Vị thuốc thạch hộc có độc tính rất thấp, dùng với liều thông thường có thể xem là không độc. Tuy nhiên có thể gây co giật nếu dùng quá liều. Một số nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy nguy cơ gây viêm da dị ứng.
  • Theo y học cổ truyền của Trung Hoa thì có một số trường hợp không nên dùng là tỳ vị hư hàn, cảm mạo giai đoạn đầu.
  • Liều lượng sử dụng tham khảo là từ 8 – 16g dạng hoàn viên hoặc thuốc sắc.
  • Thường được kết hợp với ngưu tất, câu kỷ tử, sa sâm, đảng sâm để trị đau nhức xương; dùng với tỳ bà diệp, thiên môn, trần bì để trị ho.
Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ