Tinidazole

Tinidazole là gì?

  • Tinidazol là dẫn chất nitroimidazol tương tự metronidazol, có tính kháng khuẩn và kháng động vật nguyên sinh. Thuốc có tác dụng diệt amip, diệt Trichomonas và diệt vi khuẩn. Tinidazol có tác dụng in vitro trên nhiều vi khuẩn kỵ khí bao gồm một số Bacteroide, một số Clostridium, Prevotella, Fusobacterium, Peptococcus, và Peptostreptococcus. Thuốc cũng có tác dụng chống Helicobacter pylori và Gardnerella vaginalis.

----------------------------------------------------

Chỉ định

  • Phối hợp với các kháng sinh khác trong các trường hợp nhiễm khuẩn hỗn hợp.
  • Dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật do các vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt các nhiễm khuẩn liên quan tới phẫu thuật đại tràng, dạ dày và phụ khoa.
  • Điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí như:
    • Nhiễm khuẩn trong ổ bụng như viêm màng bụng, áp xe; nhiễm khuẩn phụ khoa như viêm nội mạc tử cung, viêm cơ nội mạc tử cung, áp xe vòi buồng trứng; nhiễm khuẩn huyết; nhiễm khuẩn vết thương sau phẫu thuật; nhiễm khuẩn da và các mô mềm; nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới như viêm phổi, viêm màng phổi mủ, áp xe phổi.
    • Bệnh âm đạo do vi khuẩn.
    • Viêm niệu đạo không thuộc lậu cầu.
    • Viêm loét lợi cấp.
    • Nhiễm Trichomonas sinh dục tiết niệu cả nam và nữ.
    • Nhiễm Giardia.
    • Nhiễm amip ruột.
    • Áp xe do amip ở các tạng: Gan, lách, phổi …
    • Loét dạ dày, tá tràng và viêm dạ dày do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori.

Tương tác với các thuốc khác

  • Tinidazol làm tăng nồng độ và tăng độc tính của fluorouracil, lithi hydroxyd, cyclosporin, tacrolimus.
  • Tinidazol bị giảm nồng độ trong huyết tương và làm tăng độc tính của các thuốc phenytoin natri, fosphenytoin natri.
  • Tinidazol bị tăng nồng độ bởi các thuốc cimetidin, ketoconazol.
  • Tinidazol và disulfram có thể làm tăng độc tính hệ thần kinh trung ương.
  • Tinidazol bị giảm nồng độ trong huyết tương bởi các thuốc phenobarbital, rifampin.
  • Tinidazol bị giảm tác dụng bởi cholestyramin.
  • Thời gian prothrombin bị kéo dài khi dùng đồng thời tinidazol với các thuốc acenocoumarol, anisindion, dicumarol, phenindion, phenprocoumon, warfarin.
  • Tương tác với thực phẩm
    • Sử dụng đồng thời tinidazol và rượu có thể tạo ra phản ứng giống như disulfiram.

Chống chỉ định

  • Quá mẫn với tinidazol hoặc các dẫn chất nitroimidazol khác hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Loạn tạo máu hoặc có tiền sử loạn chuyển hóa porphyrin cấp.
  • Ba tháng đầu của thai kỳ.
  • Người mẹ đang cho con bú.
  • Người bệnh có các rối loạn thần kinh thực thể.

Liều lượng & cách dùng

  • Người lớn
    • Phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa: Truyền tĩnh mạch liều duy nhất 500 mg tinidazol trong khi gây mê để cắt bỏ ruột thừa.
    • Phòng nhiễm khuẩn kỵ khí sau phẫu thuật ổ bụng hoặc hậu môn: Uống liều duy nhất 2 g trước phẫu thuật 12 giờ. Có thể điều trị có hiệu quả hơn nhiều khi kết hợp với doxycyclin uống 200 mg và tinidazol uống liều duy nhất 2 g trước phẫu thuật 12 giờ, hoặc điều trị kết hợp doxycyclin với truyền tĩnh mạch liều duy nhất tinidazol 1,6 g trước 1 - 2 giờ phẫu thuật dạ dày - ruột. 
    • Phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Uống liều duy nhất 2 g tinidazol.
    • Điều trị nhiễm khuẩn kỵ khí: Ngày đầu uống 2 g, sau đó uống 1 g x 1 lần/ngày hoặc 500 mg x 2 lần/ngày. Thường điều trị trong 5 - 6 ngày là đủ, nhưng thời gian điều trị còn tùy thuộc vào kết quả lâm sàng; đặc biệt, khi điều trị triệt để nhiễm khuẩn ở một vài vị trí có khó khăn, cần thiết phải kéo dài điều trị trên 7 ngày. Nếu người bệnh không uống được thuốc, có thể truyền tĩnh mạch 400 ml dung dịch 2 mg/ml (800 mg tinidazol) với tốc độ 10 ml/phút. Tiếp tục truyền hàng ngày 800 mg x1 lần hoặc 400 mg x 2 lần/ngày, cho đến khi người bệnh uống được thuốc.
    • Bệnh âm đạo do vi khuẩn: Phụ nữ (không mang thai) dùng liều 2 g x 1 lần/ngày, uống vào bữa ăn, trong 2 ngày; hoặc liều 1 g x 1 lần/ngày trong 5 ngày.
    • Viêm loét lợi cấp: Uống một liều duy nhất 2 g.
    • Nhiễm Trichomonas sinh dục tiết niệu: Liều duy nhất 2 g, uống một lần. Đồng thời cần điều trị tương tự cho cả người bạn tình (vợ hay chồng).
    • Nhiễm Giardia (do Giardia duodenalis): Uống một liều duy nhất 2 g.
    • Nhiễm amip ở ruột (do Entamoeba histolytica): 2 g x 1 lần/ngày, trong 3 ngày. 
    • Áp xe gan amip (nhiễm Entamoeba histolytica): Uống liều 2 g x 1 lần/ngày trong 3 - 5 ngày, tùy thuộc vào độc lực của Entamoeba histolytica. Với amip ở gan, có thể phải kết hợp rút mủ với điều trị bằng tinidazol. Ban đầu cho uống 1,5 - 2 g x 1 lần/ngày, trong 3 ngày. Đôi khi đợt điều trị 3 ngày không có hiệu quả, cần tiếp tục tới 6 ngày. 
    • Viêm niệu đạo không lậu cầu (tái phát hoặc dai dẳng): Uống liều duy nhất 2 g, uống thêm azithromycin liều duy nhất 1 g (nếu đã không dùng ở giai đoạn khởi đầu).
    • Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori đường tiêu hóa: Phối hợp với các kháng sinh khác và PPI trong các phác đồ điều trị với liều 500 mg x 2 lần/ngày.
  • Trẻ em
    • Nhiễm Trichomonas sinh dục tiết niệu: Trẻ em: Có thể cho liều duy nhất 50 - 75 mg/kg (không được quá 2 g), uống làm một lần. An toàn và hiệu quả điều trị nhiễm Trichomonas ở trẻ em chưa được xác lập.
    • Nhiễm Giardia (do Giardia duodenalis): Trẻ em (≥ 3 tuổi), uống 1 liều duy nhất 50 - 75 mg/kg (không quá 2 g).
    • Nhiễm amip ở ruột (do Entamoeba histolytica): Trẻ em (≥ 3 tuổi), liều 50 - 60 mg/kg x 1 lần/ngày (không quá 2 g/ngày), uống 3 ngày liên tiếp.
    • Áp xe gan amip (nhiễm Entamoeba histolytica): Trẻ em (≥ 3 tuổi), dùng liều 50 - 60 mg/kg x 1 lần/ngày (không quá 2 g/ngày), trong 3 - 5 ngày liên tiếp.
  • Đối tượng khác
    • Người cao tuổi: Không có khuyến cáo liều đặc biệt.
    • Suy thận: Không cần hiệu chỉnh liều.
    • Bệnh nhân thẩm tách máu: Nếu dùng tinidazol vào ngày người bệnh đang thẩm tách, thì phải dùng thêm một liều tương đương với 1/2 liều khuyến cáo sau khi kết thúc thẩm tách.

Tác dụng phụ

  • Thường gặp 
    • Viêm tĩnh mạch huyết khối, đánh trống ngực, đau nơi tiêm, buồn nôn, nôn, ăn không ngon, đau bụng, khó chịu thượng vị, đầy hơi, khó tiêu, táo bón, thay đổi vị giác nhất thời, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, chóng mặt, nhức đầu, khó ở, suy nhược, khó tiểu tiện, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm âm đạo nhiễm Candida, đa kinh, đau âm đạo, âm đạo có mùi, đau chậu hông, ban da.
  • Ít gặp 
    • Tiêu chảy
  • Hiếm gặp
    • Ngủ gà, động kinh co giật, dị ứng, sốt, phản ứng thuốc (bất tỉnh, buồn nôn, hạ huyết áp, mệt), giảm bạch cầu có hồi phục, viêm miệng, ngứa, phát ban da, đau khớp, bệnh lý thần kinh ngoại biên (tê và dị cảm ở chi), lú lẫn, nước tiểu sẫm, viêm gan.

Lưu ý

  • Lưu ý chung
    • Trong thời gian điều trị với tinidazol không nên dùng bia rượu hoặc các chế phẩm có alcol khác vì có thể có phản ứng giống như của disulfram (đỏ bừng, co cứng bụng, nôn, tim đập nhanh).
    • Nên tránh uống rượu cho đến 72 giờ sau khi ngừng tinidazol. Khi người bệnh có các dấu hiệu thần kinh không bình thường như động kinh co giật và/hoặc bệnh thần kinh ngoại vi, điều này cho thấy có thể có các phản ứng phụ nghiêm trọng của thần kinh, lúc này cần phải ngừng điều trị. 
    • Người bệnh có tiền sử hoặc có biểu hiện loạn tạo máu, có thể bị giảm bạch cầu tạm thời và giảm bạch cầu trung tính.
    • Khả năng gây ung thư đã được thấy ở chuột và chuột được điều trị mãn tính bằng metronidazol, một tác nhân nitroimidazol khác. Mặc dù, khả năng gây ung thư của tinidazol chưa được báo cáo, tuy nhiên hai loại thuốc này có liên quan về cấu trúc và do đó có khả năng gây ra các tác dụng sinh học tương tự. Việc sử dụng tinidazole để điều trị lâu hơn mức thông thường cần được xem xét cẩn thận.
    • Đã có báo cáo nhiễm nấm Caldida âm đạo khi dùng tinidazol, khi đó cần điều trị bằng thuốc kháng nấm phù hợp.
    • Đã có báo cáo về các phản ứng quá mẫn (nổi mề đay, ngứa, phát ban, đỏ bừng, đổ mồ hôi, khô miệng, sốt, cảm giác nóng, khát, tiết nước bọt, phù mạch, co thắt phế quản, khó thở, hội chứng Stevens-Johnson, ban đỏ đa dạng). Sốc phản vệ hiếm khi được báo cáo.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai
    • Tinidazol qua hàng rào nhau thai và vào tuần hoàn thai nhi, do đó chống chỉ định dùng thuốc này cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu. Chưa có bằng chứng tinidazol ảnh hưởng có hại trong giai đoạn sau của thai kỳ, nhưng cần phải cân nhắc giữa lợi ích của dùng thuốc với những khả năng gây hại cho bào thai và người mẹ ở ba tháng thứ hai và thứ ba của thai kỳ.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú
    • Tinidazol bài tiết qua sữa mẹ. Sau khi uống thuốc 72 giờ có thể vẫn tìm thấy tinidazol trong sữa. Không nên dùng cho người mẹ đang cho con bú, hoặc chỉ cho con bú ít nhất sau 3 ngày ngừng thuốc.
  • Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc
    • Không cần đề phòng đặc biệt cho bệnh nhân lái xe hoặc vận hành máy móc.

Quá liều

  • Quá liều Tinidazole và xử trí
    • Ngộ độc nặng: Các triệu chứng ức chế hệ TKTW và động kinh hiếm xảy ra. Triệu chứng quá liều do dùng kinh niên thường là chóng mặt, song thị, mất định hướng, mất điều hòa và bệnh thần kinh cảm giác.
  • Cách xử lý khi quá liều
    • Không có thuốc giải độc đặc hiệu để điều trị quá liều tinidazol. Chủ yếu điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Rửa dạ dày có thể hữu ích trong trường hợp ngộ độc nặng. Có thể loại tinidazol bằng thẩm tách
    • Theo dõi người bệnh: Theo dõi dấu hiệu sống và trạng thái tâm thần. Theo dõi các chất điện giải, glucose trong huyết thanh và các men gan ở người bệnh có triệu chứng.

Quên liều và xử trí

  • Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.
Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ