Topiramate

Topiramate là gì?

  • Topiramate là một chất chống động kinh monosaccharide được thay thế gốc sulfamate. Một số đặc tính quan trọng của topiramate góp phần vào hiệu quả chống động kinh.

----------------------------------------------------

Chỉ định của Topiramate

  • Đơn trị liệu khởi đầu hoặc điều trị hỗ trợ động kinh cho người lớn hoặc trẻ em ≥ 4 tuổi trong các trường hợp sau:
  • Cơn co giật khởi phát cục bộ có kèm hoặc không kèm theo cơn co giật toàn thể có co cứng – giật rung.
  • Cơn co giật có kèm theo hội chứng Lennox - Gastaut.
  • Phòng ngừa đau nửa đầu ở người lớn.

Chống chỉ định của Topiramate

  • Quá mẫn với topiramate hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Sử dụng rượu trong vòng 6 giờ trước hoặc sau khi uống thuốc.
  • Sử dụng đồng thời với metformin.
  • Dự phòng đau nửa đầu trong thai kỳ và phụ nữ có khả năng sinh đẻ nếu không sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả cao.

Thận trọng khi dùng Topiramate

  • Trong trường hợp cần ngừng topiramate, cần có biện pháp giám sát thích hợp.
  • Một số bệnh nhân có thể tăng tần số cơn co giật hoậc xuất hiện thể động kinh mới với topiramate. Hiện tượng này có thể do quá liều, giảm nồng độ trong huyết tương của thuốc chống động kinh dùng phối hợp, bệnh tiến triển hoặc tác dụng nghịch.
  • Nên uống nhiều nước khi dùng topiramate. Bù đủ nước có thể làm giảm nguy cơ sỏi thận và tránh được tác dụng không mong muốn liên quan đến nhiệt.
  • Tăng nguy cơ rối loạn hành vi hoặc trầm cảm đã được ghi nhận trong quá trình dùng topiramate.
  • Hành vi tự tử và ý định tử tử đã được báo cáo ở một số bệnh nhân điều trị với các thuốc chống động kinh nên không loại trừ nguy cơ này đối với topiramate. Do đó cần giám sát chặt chẽ bệnh nhân và những dấu hiệu của hành vi hay ý định tự tử, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp. Bệnh nhân và người chăm sóc cũng cần biết rõ dấu hiệu của hành vi và ý định tự tử.
  • Có thể tăng nguy cơ sỏi thận với các dấu hiệu như đau quặn thận, đau sườn ở một số bệnh nhân, đặc biệt là những người từng bị sỏi thận.
  • Người bị tổn thương gan cần thận trọng khi dùng topiramate vì độ thanh thải của thuốc có thể giảm.
  • Đau mắt cấp tính kèm theo glaucoma góc đóng đã được báo cáo. Triệu chứng bao gồm giảm thị lực cấp tính, đau mắt. Kiểm tra mắt có thể thấy tổn thương mắt, tiền phòng bị khô, mắt đỏ, tăng nhãn áp, có hoặc không có giãn đồng tử. Tác dụng này xảy ra trong 1 tháng sau khi dùng thuốc.
  • Glaucoma góc đóng nguyên phát thường ít xảy ra ở người dưới 40 tuổi, trong khi đó, glaucoma góc đóng thứ phát thường xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Cần ngừng topiramate và điều trị ngay bằng biện pháp thích hợp nhằm giảm nhãn áp. Cân nhắc khi dùng topiramate ở người có tiền sử bị bệnh về mắt.
  • Tăng chlorid trong máu, nhiễm toan chuyển hoá có liên quan đến việc dùng topiramate. Nhiễm toan chuyển hoá mạn tính có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận, loãng xương. Nếu nhiễm toan chuyển hoá tiến triển hoặc kéo dài, cần giảm liều hoặc ngừng dùng thuốc. Cần thận trọng khi dùng topiramate ở người có nguy cơ nhiễm toan chuyển hoá.

Thời kỳ mang thai

  • Chưa có đủ nghiên cứu có kiểm soát tốt về tác dụng của topiramate ở phụ nữ có thai.
  • Một số nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa việc dùng thuốc trong thai kỳ với những dị tật bẩm sinh (sứt môi, hàm ếch, lỗ tiểu lệch thấp…). Phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trên thai nhi khi dùng topiramate cho phụ nữ mang thai.

Thời kỳ cho con bú

  • Một số nghiên cứu cho thấy topiramate có tiết vào sữa mẹ. Cân nhắc ngừng thuốc hay ngừng cho con bú nếu dùng thuốc.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

  • Thường gặp
    • Giảm/tăng cân, hoa mắt, dị cảm, ngủ gà, buồn nôn, tiêu chảy.
    • Viêm mũi - hầu, trầm cảm, mệt mỏi, thiếu máu, suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức, không tập trung.
    • Co giật, mất thăng bằng, mất vị giác, nhìn mờ, rối loạn thị giác, ù tai, đau tai, khó thở, chảy máu cam, đầy hơi, khô miệng.
    • Sỏi thận, khó tiểu, ngứa, đau khớp, đau cơ, giật cơ.
  • Ít gặp
    • Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, bệnh hệ lympho, nhịp tim chậm, trống ngực, giảm nhận thức.
    • Động kinh cơn lớn, động kinh cục bộ phức tạp, ngất, mất ngôn ngữ, rối loạn thần kinh ngoại biên.
    • Khô mắt, sợ ánh sáng, giãn đồng tử, viễn thị.
    • Viêm tuỵ, trào ngược dạ dày - thực quản, tăng tiết nước bọt, sỏi đường tiết niệu, đau quặn thận, tiểu ra máu.
    • Giảm tiết mồ hôi, ban đỏ, mày đay, nhiễm toan chuyển hoá, hạ kali huyết, thân nhiệt cao, triệu chứng giống cúm.
    • Ý định tự tử, rối loạn tâm thần.
  • Hiếm gặp
    • Giảm bicarbonate trong máu, giảm bạch cầu trung tính, mù thoáng qua, glaucoma, hoạt động tay chân khó, hội chứng Stevens - Johnson.

Liều lượng và cách dùng Topiramate

  • Liều dùng Topiramate
    • Người lớn
      • Đơn trị liệu trong động kinh:
        • Nên khởi đầu bằng liều 25 mg dùng mỗi buổi tối trong một tuần, sau đó mỗi 1 hoặc 2 tuần tăng liều đến 25 – 50 mg/ngày chia làm 2 lần.
        • Liều và tốc độ điều chỉnh dựa trên đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân.
        • Liều đầu tiên được khuyến cáo trong đơn trị liệu với topiramate là 100 – 200 mg/ngày và liều tối đa hàng ngày được khuyến cáo là 500 mg.
        • Một số bệnh động kinh thể khó chữa dung nạp với topiramate liều 1000 mg/ngày.
        • Các khuyến cáo này áp dụng cho cả người cao tuổi và trẻ em không mắc các bệnh về thận.
      • Điều trị hỗ trợ động kinh:
        • Nên khởi đầu với liều 25 – 50 mg dùng mỗi buổi tối trong tuần đầu tiên.
        • Sau đó hàng tuần hoặc cách 2 tuần nên tăng liều lên 25 – 50 mg/ngày, chia làm 2 lần. Việc điều chỉnh liều dựa trên đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân.
        • Liều dùng thông thường 200 – 400 mg/ngày, chia làm 2 lần. Có thể dùng được liều cao đến 600 mg/ngày.
      • Đau nửa đầu:
        • Nên khởi đầu với liều 25 mg dùng mỗi buổi tối trong vòng 1 tuần.
        • Tăng liều 25 mg/ngày sau mỗi tuần. Nếu bệnh nhân không dung nạp thì nên kéo dài khoảng cách giữa các lần tăng liều.
        • Một số bệnh nhân có đáp ứng với tổng liều hàng ngày là 50 mg/ngày.
        • Một số bệnh nhân phải dùng liều lên tới 200 mg/ngày, tuy nhiên cần thận trọng vì có thể tăng tác dụng không mong muốn.
    • Trẻ em
      • Đơn trị liệu trong động kinh:
        • Trẻ em ≥ 2 tuổi nên bắt đầu với liều 1 – 3 mg/kg vào mỗi buổi tối trong 1 tuần đầu.
        • Tăng liều vào 1 hoặc 2 tuần sau đó, khoảng 1 – 3 mg/kg/ngày, chia làm 2 lần.
        • Liều và tốc độ điều chỉnh dựa trên đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân, có thể tăng liều ít hơn hoặc kéo dài thời gian tăng liều nếu bệnh nhân không dung nạp.
        • Liều đầu tiên được khuyến cáo trong đơn trị liệu với topiramate là 3 – 6 mg/kg/ngày.
        • Trẻ em mới được chẩn đoán bị cơn co giật khởi phát cục bộ dùng liều lên đến 500 mg/ngày.
      • Điều trị hỗ trợ động kinh:
        • Trẻ em ≥ 2 tuổi, liều tổng cộng dùng hàng ngày được khuyến cáo khoảng 5 – 9 mg/kg/ngày, chia làm 2 lần.
        • Chuẩn liều nên khởi đầu bằng liều 25 mg (hoặc thấp hơn, dựa trên giới hạn liều từ 1 – 3 mg/kg/ngày), uống vào mỗi buổi tối trong tuần đầu tiên.
        • Để có đáp ứng lâm sàng tối ưu, nên tăng liều sau đó 1 – 2 tuần trong giới hạn khoảng 1 – 3 mg/kg/ngày, chia làm 2 lần.
        • Liều dùng hàng ngày lên đến 30 mg/kg/ngày đã được nghiên cứu và được dung nạp tốt.
      • Đau nửa đầu:
        • Không chỉ định cho trẻ em vì chưa đủ tài liệu về độ an toàn và hiệu quả điều trị.
    • Đối tượng khác
      • Bệnh nhân suy thận: Bệnh nhân có ClCr < 70 ml/phút/1,73 m2, giảm 50% liều dùng hàng ngày ở người lớn. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thể yêu cầu một liều bổ sung sau khi chạy thận. Liều này được xác định dựa trên thời gian lọc máu, tốc độ thanh thải của hệ thống lọc máu và khả năng thanh thải topiramate của bệnh nhân.
      • Bệnh nhân suy gan: Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy gan từ trung bình đến nặng vì độ thanh thải của topiramate bị giảm.
      • Người cao tuổi: Cần điều chỉnh liều ở những bệnh nhân cao tuổi bị suy thận do tuổi cao.
  • Cách dùng
    • Viên nén: Nuốt nguyên viên thuốc, không được nhai vì thuốc có vị đắng. Nếu bệnh nhân không nuốt được, có thể nghiền thuốc rồi trộn với bột yến mạch hoặc nước sốt táo và dùng ngay lập tức để đảm bảo tính ổn định của thuốc.
    • Viên nang rắc: Nuốt nguyên viên thuốc hoặc có thể mở viên nang, rắc phần thuốc bên trong lên thức ăn mềm (sốt táo, sữa trứng, kem, bột yến mạch, yogurt…) và nuốt ngay mà không cần nhai.
    • Viên nang giải phóng kéo dài: Nuốt nguyên viên thuốc, không được mở viên nang, nghiền hoặc nhai viên thuốc.
    • Đơn trị liệu trong động kinh: Khi ngừng dùng đồng thời các thuốc chống động kinh phối hợp để đơn trị liệu với topiramate, nên xem xét hiệu quả có thể có trên sự kiểm soát cơn co giật.
    • Liều của thuốc chống động kinh phối hợp nên được giảm từ từ với tỷ lệ khoảng 1/3 liều mỗi 2 tuần, trừ khi phải dừng ngay các thuốc chống động kinh phối hợp vì liên quan đến sự an toàn của bệnh nhân. Khi ngừng dùng các thuốc cảm ứng enzyme, nồng độ topiramate tăng lên, có thể cần phải giảm liều nếu có chỉ định lâm sàng.

Tương tác với các thuốc khác

  • Dùng chung topiramate với carbamazepine làm giảm nồng độ topiramate, với phenytoin có thể làm tăng nồng độ phenytoin và giảm nồng độ topiramate trong huyết tương. Cần điều chỉnh liều topiramate khi ngừng dùng hoặc kết hợp với phenytoin/carbamazepine.
  • Nồng độ digoxin trong huyết tương giảm 12% khi dùng chung với topiramate.
  • Không dùng chung topiramate với rượu hoặc các chất ức chế thần kinh trung ương khác.
  • Khả năng làm giảm hiệu quả của thuốc ngừa thai đường uống và tăng nguy cơ xuất huyết khi kết hợp giữa thuốc ngừa thai và topiramate.
  • Nồng độ metformin trong huyết tương có thể tăng và giảm độ thanh thải topiramate khi sử dụng chung.
  • Hydrochlorothiazide dùng chung với topiramate làm tăng nồng độ topiramate trong huyết tương nên cần điều chỉnh liều topiramate khi phối hợp thêm với hydrochlorothiazide. Theo dõi mức độ giảm kali huyết.
  • Dùng chung topiramate với các thuốc gây sỏi thận làm tăng nguy cơ sỏi thận.
  • Có hiện tượng tăng amoniac máu khi dùng chung topiramate với valproic acid, có thể kèm hoặc không kèm theo bệnh não.
  • Tương tác với thực phẩm
    • Tránh chế độ ăn ít carbohydrate (carb) và nhiều chất béo có lợi cho sức khỏe. Chế độ ăn này làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.

Độ ổn định và bảo quản 

  • Bảo quản thuốc nơi khô ráo, tránh nhiệt độ cao và ánh sáng.
Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ