Trimethoprim
Trimethoprim là gì?
- Trimethoprim có tác dụng kìm khuẩn, ức chế enzym dihydrofolate - reductase của vi khuẩn. Trimethoprim chống lại tác nhân gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu như E. coli, Proteus, Klebsiella, Enterobacter, Staphylococcus saprophyticus, Streptococcus faecalis và chống lại nhiều vi khuẩn dạng coli.
----------------------------------------------------
Chỉ định
- Ðợt cấp của viêm phế quản mạn.
- Dự phòng lâu dài nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu dưới cấp tính nhạy cảm với trimethoprim.
- Viêm phổi do Pneumocystis carinii.
Chống chỉ định
- Suy gan nặng, suy thận nặng, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu acid folic. Quá mẫn với trimethoprim.
Thận trọng
- Suy thận, tuổi già, và điều trị kéo dài với liều cao. Cần theo dõi nguy cơ tác dụng có hại lên chuyển hóa acid folic và máu.
Thời kỳ mang thai
- Thí nghiệm trên động vật với liều cao, trimethoprim có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa acid folic và gây quái thai trong giai đoạn hình thành các cơ quan. Bởi vậy, trimethoprim chỉ dùng trong những chỉ định rất nghiêm ngặt cho người mang thai và điều quan trọng là kiểm tra tình trạng acid folic và bổ sung acid folic cho người mẹ (tiêm Leucovorin).
Thời kỳ cho con bú
- Trimethoprim tích lũy trong sữa mẹ ở nồng độ quá thấp nên có lẽ không gây ảnh hưởng đến thai nhi ở liều điều trị bình thường. Trimethoprim có thể dùng cho người đang cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
- Phản ứng có hại xảy ra chủ yếu trên da, đường tiêu hóa và thường gặp khi dùng liều cao, kéo dài.
- Thường gặp, ADR > 1/100
- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn.
- Da: Ngứa, phát ban, viêm lưỡi.
- Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
- Toàn thân: Ðau đầu, mờ mắt, chóng mặt.
- Máu: Tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu.
- Tiêu hóa: Chán ăn, ỉa chảy.
- Hiếm gặp, ADR < 1/1000
- Gan: Tăng transaminase, vàng da, ứ mật, suy gan hoại tử.
- Toàn thân: Phản ứng phản vệ và bệnh huyết thanh.
- Tiết niệu - sinh dục: Tăng creatinin và urê huyết thanh.
- Tiêu hóa: Viêm đại tràng màng giả, viêm miệng.
- Máu: Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, giảm tiểu cầu, thiếu máu tan huyết, mất bạch cầu hạt, giảm toàn thể huyết cầu.
- Thần kinh trung ương: Viêm màng não vô khuẩn, trầm cảm.
- Da: Hội chứng Stevens - Johnson, hội chứng Lyell, nhạy cảm ánh sáng.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
- Ngừng dùng thuốc nếu có biểu hiện ngoại ban, vì có thể dẫn đến hội chứng Stevens - Johnson.
- Dùng calci folinat 5 - 7 ngày nếu có dấu hiệu thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ.
Liều lượng và cách dùng
- Viêm phế quản mạn đợt cấp và nhiễm khuẩn tiết niệu: Uống 100 mg/lần, 2 lần/ngày, trong 10 ngày hoặc 200 mg/lần/ngày, trong 10 ngày.
- Dự phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu: 100 mg/ngày.
- Viêm phổi do Pneumocystis carinii: 20 mg/kg/ngày. Phối hợp với dapson 100 mg/lần/ngày trong 21 ngày.
- Viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn mạn tính: 400 mg sáng và tối.
- Trẻ em:
- Liều thường dùng là 6 - 8 mg/kg ngày chia làm 2 lần. Trẻ em 6 - 12 tuổi: 100 mg/lần, 2 lần/ngày;
- 6 tháng - 5 tuổi: 50 mg/lần, 2 lần/ngày;
- 6 tuần - 5 tháng tuổi: 25 mg/lần, 2 lần/ngày.
- Ðiều trị dự phòng lâu dài: 6 - 12 tuổi: 50 mg/tối; 6 tháng đến 5 tuổi: 25 mg/tối; người lớn: 100 mg/tối.
- Người lớn suy thận liều dùng như sau:
- Ðộ thanh thải creatinin trên 30 ml/phút, xem liều thường dùng cho người lớn; độ thanh thải creatinin bằng 15 - 30 ml/phút, 50% liều thường dùng; độ thanh thải creatinin nhỏ hơn 15 ml/phút, không nên dùng.
- Thuốc tiêm: Tiêm tĩnh mạch hoặc truyền nhỏ giọt dưới dạng lactat tuy liều được tính theo base.
- Người lớn: 150 - 250 mg/lần, 2 lần/ngày (cách nhau 12 giờ).
- Trẻ em: Liều bằng liều thuốc uống (8 mg/kg/ngày, chia làm 2 hoặc 3 lần).
Tương tác thuốc
- Sử dụng đồng thời trimethoprim và phenytoin làm tăng nửa đời sinh học của phenytoin lên 50% và giảm 30% độ thanh thải của phenytoin do trimethoprim ức chế chuyển hóa phenytoin ở gan. Nguy cơ ngộ độc thận tăng khi sử dụng đồng thời trimethoprim và ciclosporin.
- Các chất đối kháng folat như methotrexat, pyrimethamin khi sử dụng đồng thời với trimethoprim có thể làm tăng tỷ lệ bị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ.
Tương kỵ
- Trimethoprim tiêm (có chứa lactat) không được trộn lẫn với các dung dịch kháng khuẩn khác bao gồm cả sulfonamid do tương kỵ. Dung dịch tiêm trimethoprim không được pha loãng trong dung dịch có chứa clorid do nguy cơ kết tủa trimethoprim hydroclorid, nhưng có thể pha loãng với dung dịch glucose 5% hoặc dung dịch natri lactat.
Quá liều và xử trí
- Ngộ độc cấp: Các dấu hiệu quá liều cấp với trimethoprim có thể xuất hiện sau khi uống thuốc này từ 1 gam trở lên. Có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, lú lẫn, trầm cảm, suy giảm tủy xương.
- Xử trí:
- Rửa dạ dày. Acid hóa nước tiểu để tăng đào thải trimethoprim. Thẩm phân máu có hiệu quả khá, (thẩm phân màng bụng không hiệu quả).
- Ngộ độc mạn: Thường xảy ra khi điều trị liều cao, hoặc kéo dài với dấu hiệu: Suy tủy (giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ).
- Xử trí:
- Ngừng dùng trimethoprim.
- Tiêm tĩnh mạch Leucovorin 3 - 6 mg mỗi ngày, trong 5 - 7 ngày, để hồi phục lại chức năng tạo máu bình thường.