Vông nem
Vông nem là gì?
- Vông nem còn có nhiều tên gọi khác như hải đồng, thích đồng, cây lá vông, bơ tòng (Tày), co toóng lang (Thái)… Cây có danh pháp khoa học là Erythrina indica Lamk hay Erythrina variegata, thuộc họ Fabaceae, chi Erythrina.
----------------------------------------------------
Thành phần hóa học
- Thành phần hóa học chủ yếu và quan trọng nhất của cây lá vông chính là Saponin và Alkaloid. Trong đó, Alkaloid chiếm hàm lượng từ 0,1 – 0,16%.
- Đặc biệt, trong lá cây có chứa một loại Alkaloid có độc tính là Erythin. Chất này khi được cơ thể hấp thụ sẽ làm giảm hoặc thậm chí làm mất hẳn chức năng của hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên chất này không tác động đến sự co bóp và kích thích vận động của cơ.
- Ngoài ra, lá cây còn có một loại chất Saponin với tên gọi là Migarin có khả năng gây giãn đồng tử.
Tác dụng của Vông nem
- Theo y học cổ truyền
- Lá của cây vông nem vị nhạt, hơi chát và đắng, có tính bình, quy vào kinh đại tràng và vị. Vỏ thân cây có vị đắng, tính bình, quy vào kinh can và thận.
- Từ lâu, người ta đã sử dụng cây lá vông làm vị thuốc an thần, trị các chứng như nhức đầu, chóng mặt, phiền muộn, lo âu. Loại dược liệu này cũng có công dụng hạ nhiệt, tiêu tích, cải thiện chất lượng giấc ngủ để mang đến giấc ngủ sâu và ngon hơn.
- Theo y học hiện đại
- Phòng ngừa sâu răng: Trong cây lá vông có chứa Isoflavonoid – một chất được cho là có hoạt tính kháng khuẩn mạnh, giúp chống lại nhiều loại vi khuẩn và đặc biệt là chủng Staphylococcus aureus kháng methicillin. Bên cạnh đó, các hợp chất orientanol B và erycristagallin cũng được đánh giá cao về hoạt tính kháng khuẩn. Trong đó erycristagallin là tác nhân hóa thực vật có khả năng ngăn ngừa sâu răng vô cùng mạnh mẽ.
- Chống oxy hóa: Cây lá vông có thể gây ra hiện tượng stress oxy hóa. Tuy nhiên chiết xuất thô trong loại dược liệu này lại có khả năng chống oxy hóa tuyệt vời, giúp tiêu diệt các gốc tự do. Đặc biệt, chiết xuất methanolic trong lá cây còn có công dụng ngăn ngừa ung thư đáng kể.
- Giảm đau, kháng viêm: Alkaloid có trong lá cây vông nem có khả năng kháng viêm khá tốt. Lá và vỏ thân cây cũng được sử dụng để điều trị thấp khớp và bệnh sốt.
- Điều trị mất ngủ: Trong lá của cây lá vông có hàm lượng dồi dào alkaloid có khả năng ức chế thần kinh, chống co giật. Từ đó giúp làm giãn thần kinh trung ương, giảm thiểu lo âu căng thẳng. Do đó đây là vị thuốc được sử dụng rộng rãi để điều trị căn bệnh động kinh vắng mặt và chứng mất ngủ.
- Chống loãng xương: Một nghiên cứu trên chuột đã chỉ ra rằng, chiết xuất lá cây vông nem có khả năng cân bằng nội môi canxi đối với chuột bị kích thích quá mức, đồng thời điều hoạt hoạt động biểu hiện gen trong thận và tá tràng. Qua thử nghiệm, người ta đưa ra kết luận lá cây có thể ngăn ngừa tốc độ luân chuyển xương rất cao gây ra do sự thiếu hụt estrogen, nâng cao các đặc tính sinh học của xương và ức chế mất xương.
Một số vị thuốc từ Vông nem
- Điều trị viêm đại tràng mãn tính: 25g lá nhót, 15g lá vông nem, rửa sạch và sao vàng hạ thổ. Sắc lấy nước uống.
- Điều trị mất ngủ:
- Bài 1: 5g tâm sen sao thơm, 10g táo nhân sao đen, 16g lá vông nem. Vò nát các vị thuốc trên và hãm với 1 lít nước sôi rồi để nguội. Thêm 2 – 3 bông nhài tươi và chia thành nhiều phần dùng hết trong ngày. Uống liên tục từ 5 – 7 ngày.
- Bài 2: 10g lá dâu tằm, 50g lạc tiên, 30g lá vông và 1 lít nước. Rửa sạch các vị thuốc nói trên và sao vàng trong chảo nóng. Hãm với 1 lít nước đã đun sôi trong 15 phút. Dùng khi còn ấm, thời điểm tốt nhất là vào buổi tối.
- Chữa trĩ: Nấu canh lá vông nem với trứng gà, dùng lá tươi hoặc hơ nóng qua và đắp trực tiếp vào chỗ trĩ.
- Điều trị bụng nhiều giun đũa, cam tích ở trẻ em: Tán bột mịn lá cây vông khô, uống 3 – 4g/ngày.
Lưu ý khi sử dụng Vông nem
- Liều dùng tham khảo từ 6 – 30g/ngày
- Vỏ thân và lá cây có thành phần alkaloid độc tính nhẹ, nếu dùng quá liều có thể gây sụp mí, các khớp và cơ rã rời, cơ thể mệt mỏi
- Chữa mất ngủ bằng cây lá vông chỉ mang tính hỗ trợ, không thể thay thế hoàn toàn các liệu pháp y tế
- Không dùng cho người bị đỏ, nóng, sưng đau khớp
- Chỉ áp dụng cho người bị mất ngủ do các nguyên nhân từ can và thận, không đạt hiệu quả cao đối với trường hợp mất ngủ do tỳ, phế, tâm
- Không dùng cho người bị cao huyết áp, không dùng cho trẻ em