Acetaminophen là gì?
- Acetaminophen là một loại thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau, tuy nhiên không như aspirin nó không hoặc ít có tác dụng chống viêm.
----------------------------------------------------
Công dụng
- Acetaminophen chủ yếu được dùng đường uống nhưng cũng có thể được tiêm tĩnh mạch.
- Thuốc được dùng để điều trị các cơn đau từ nhẹ tới vừa như đau do hành kinh, nhức đầu, đau răng, đau cơ, thoái hoá khớp, tổn thương mô mềm, kể cả đau nửa đầu. Khi kết hợp với thuốc giảm đau opioid trong điều trị đau nặng. Bên cạnh đó, đây cũng là thuốc hạ sốt rất thông dụng
- Thuốc này có thể được sử dụng cho các mục đích khác không được liệt kê trong hướng dẫn này. Bạn hãy đảm bảo tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng
- Liều dùng cho người lớn là bao nhiêu?
- Dạng thuốc phóng thích nhanh: 325 mg đến 1g acetaminophen mỗi 4-6 giờ. Liều tối đa một lần dùng là 1 gam (tương đương 2 viên acetaminophen 500mg) và không quá 4g trong 24 giờ.
- Dạng thuốc phóng thích kéo dài: 1300 mg uống mỗi 8 giờ. Liều tối đa là 3900 mg mỗi 24 giờ.
- Chế phẩm đặt trực tràng, bạn sử dụng 650 mg mỗi 4 đến 6 giờ, tối đa 3900 mg mỗi 24 giờ.
- Liều dùng Acetaminophen cho trẻ em
- Bất cứ phụ huynh nào cũng nên biết liều dùng acetaminophen là gì cho trẻ em. Bạn nên sử dụng acetaminophen một cách thận trọng cho trẻ em dưới 12 tuổi và nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi dùng. Lúc này, liều dùng được xác định dựa theo cân nặng, trung bình là 10 – 15 mg/kg mỗi liều trong mỗi 4-6 giờ, tối đa 5 liều trong 24 giờ.
- Trẻ từ 12 tuổi trở lên có thể dùng liều như người lớn.
Cách dùng
- Bạn uống thuốc này theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc theo tờ hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Bên cạnh đó, hãy lưu ý:
- Thuốc dạng lỏng: lắc trước khi dùng
- Thuốc dạng nhai: nhai kỹ trước khi nuốt
- Viên nén phân hủy: đảm bảo tay khô ráo khi lấy thuốc, đặt thuốc trên lưỡi cho tan hết chứ không nuốt trực tiếp
- Viên/bột sủi bọt: hòa tan trong nước sau đó uống hết, thêm một chút nước để tráng lại số thuốc còn sót trong ly
- Thuốc bột thông thường: đặt trực tiếp trên lưỡi và nuốt.
- Thức ăn có thể làm chậm hấp thu viên nén giải phóng kéo dài. Trong bữa ăn nên hạn chế chất bột đường, vì chúng sẽ làm giảm hấp thu paracetamol.
- Nếu vẫn đau họng sau 2 ngày, sốt sau 3 ngày và đau nói chung sau 7 ngày với người lớn hoặc 5 ngày với trẻ em; hay khi triệu chứng nặng hơn, xuất hiện triệu chứng mới thì cần ngừng dùng thuốc và gọi cho bác sĩ.
Triệu chứng quá liều acetaminophen là gì?
- Quá liều acetaminophen có thể gây tổn thương gan với triệu chứng buồn nôn, chán ăn, đau bụng trên, ngứa, nước tiểu sẫm màu, phân sệt như đất sét, vàng da và vàng mắt; lú lẫn; đổ mồ hôi; suy nhược. Nghiêm trọng hơn sẽ dẫn tới tử vong. Trong vài giờ đầu, đôi khi bệnh nhân không có triệu chứng gì hoặc chỉ đau bụng, buồn nôn nên hết sức phải lưu ý khi nghi ngờ quá liều.
- Quá liều thuốc có thể xảy ra khi sử dụng thuốc này cùng với các loại giảm đau hạ sốt hay chế phẩm chứa acetaminophen khác.
- Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất. Tại đây, bạn sẽ được dùng N – acetylcystein để giải độc. Tuy nhiên, thuốc giải đọc chỉ có hiệu quả khi sử dụng vài giờ đầu sau ngộ độc.
Bạn nên làm gì nếu bạn quên một liều?
- Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Sau đó đợi 4 – 6 giờ nữa để sử dụng liều tiếp theo. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
- Acetaminophen 500mg thường không có tác dụng phụ. Nếu có là buồn nôn, nôn, đau đầu hoặc mất ngủ.
- Một số người có thể có phản ứng dị ứng nghiêm trọng, nhưng rất hiếm gặp. Triệu chứng là nổi mề đay, khó thở, sưng phù mặt, trong miệng và họng. Cần ngừng thuốc và gọi ngay cho bác sĩ. Rất hiếm gặp acetaminophen sẽ gây ra phản ứng da nghiêm trọng và có thể dẫn tới tử vong. Gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện nếu bạn bị mẩn đỏ da, phát ban trên diện rộng và gây ra phồng rộp, bong tróc.
- Bên cạnh đó, nếu có triệu chứng tổn thương gan giống như phản ứng quá liều thì nên ngừng thuốc và đi khám lại.
- Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng, lưu ý
- Trước khi dùng thuốc, bạn nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:
- Bạn bị dị ứng với acetaminophen hoặc bất kì thành phần nào hoặc thuốc nào;
- Những loại thuốc bạn đang sử dụng bao gồm thuốc kê toa và không kê toa, thực phẩm chức năng và những loại thảo dược;
- Tiền sử bệnh, đặc biệt là bệnh gan (như suy gan), suy thận, thiếu máu mạn tính, thường xuyên sử dụng hoặc nghiện thức uống có cồn;
- Bạn bị phenylketon niệu (một bệnh di truyền cần được kiểm soát bởi chế độ ăn uống đặc biệt để giảm nguy cơ thiểu năng trí tuệ) hoặc đái tháo đường bởi vì một số dạng bào chế của acetaminophen như viên nhai có tá dược là đường và aspartame;
- Bạn có thai khi đang sử dụng acetaminophen.
- Đau đầu do dùng rượu, bia.
Chống chỉ định của Acetaminophen là gì?
- Mẫn cảm với paracetamol.
- Thiếu máu do thiếu men G6PD.