Bạc hà
Bạc hà là gì?
- Bạc hà thuộc loại cây cỏ sống nhiều năm và có xu hướng lụi tàn vào mùa đông. Thân cây vuông, mọc đứng hoặc mọc bò, lá bạc hà mọc đối. Lá có màu xanh đậm, có hình trứng, mép khía răng và có lông ở cả hai mặt.
----------------------------------------------------
Lợi ích sức khỏe của lá bạc hà
- Trị bệnh cảm lạnh thông thường
- Nhiều người tin dùng tinh dầu bạc hà như là một loại thuốc thông mũi hiệu quả có thể loại bỏ tắc nghẽn và cải thiện hơi thở.
- Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc sử dụng tinh dầu bạc hà có tác dụng làm thông mũi, tan đờm và chất nhầy, giúp dễ tống đờm ra khỏi cơ thể hơn khiến người dùng cảm giác thở dễ dàng, đặc biệt ở những người bị cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường.
- Bạc hà giúp hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh cảm lạnh
- Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
- Theo một nghiên cứu trên chuột cho thấy những con chuột được cho ăn bạc hà đã giảm được 26% lượng đường trong máu sau 30 ngày. Các nghiên cứu trên người cũng cho kết quả khả quan, điều này cho thấy bạc hà có những tác động tích cực đến lượng đường trong máu, rất có triển vọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.
- Kháng viêm
- Trong bạc hà có các loại tinh dầu như eugenol, linalool, citronellon có đặc tính kháng viêm, giúp chống lại các chứng viêm trong cơ thể như viêm khớp hay các vấn đề ở ruột. Ngoài ra acid rosmarinic cũng đã được nghiên cứu về khả năng làm giảm các triệu chứng dị ứng theo mùa.
- Giảm đau dạ dày và chứng khó tiêu
- Bạc hà có hiệu quả trong việc giảm các vấn đề tiêu hóa khác như đau bụng và khó tiêu. Chứng khó tiêu xảy ra khi thức ăn nằm trong dạ dày quá lâu trước khi đi vào phần còn lại của đường tiêu hóa.
- Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc thức ăn đi qua dạ dày nhanh hơn khi mọi người dùng dầu bạc hà trong bữa ăn. Do đó, sử dụng bạc hà như một loại rau trong bữa ăn có thể làm giảm các triệu chứng khó tiêu này.
- Một nghiên cứu lâm sàng ở những người mắc phải chứng khó tiêu cho thấy việc kết hợp tinh dầu bạc hà và dầu caraway được dùng trong viên nang có tác dụng tương tự như các loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng khó tiêu. Sự kết hợp này có hiệu quả trong việc giảm đau dạ dày và các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa khác.
- Làm sạch răng và giảm hôi miệng
- Theo một nghiên cứu, tinh dầu bạc hà được sử dụng trong kẹo bạc hà hoặc kẹo sao su bạc hà, giúp giảm bớt mùi hôi trong khoang miệng được vài giờ. Tuy nhiên, nó lại không làm giảm lượng vi khuẩn hoặc các hợp chất khác gây hôi miệng.
- Theo một bài báo, việc uống trà bạc hà và nhai lá tươi có thể làm giảm vi khuẩn gây hôi miệng nhờ tác dụng kháng khuẩn của tinh dầu Bạc hà.
- Giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tâm thần
- Ngoài việc ăn bạc hà, ngửi tinh dầu bạc hà cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cải thiện chức năng não, giúp tỉnh táo.
- Một nghiên cứu ở 144 người trưởng thành trẻ tuổi đã chứng minh rằng: ngửi mùi thơm của tinh dầu Bạc hà trong 5 phút trước khi làm bài kiểm tra, giúp cải thiện trí nhớ đáng kể.
- Một nghiên cứu khác cho thấy rằng: ngửi tinh dầu này trong khi lái xe sẽ giúp tăng sự tỉnh táo và giảm căng thẳng, lo lắng hay mệt mỏi.
- Ngoài ra, trong một nghiên cứu khác còn chứng minh thêm: hương thơm của tinh dầu bạc hà còn có tác dụng trong việc tăng thêm sinh lực để cơ thể không có cảm giác mệt mỏi mà vẫn không gây ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng của não bộ.
- Hỗ trợ phòng chống bệnh tim mạch
- Sử dụng bạc hà có thể làm giảm huyết áp, phòng chống các bệnh tim mạch hiệu quả. Thành phần eugenol trong bạc hà hoạt động như một chất chẹn kênh canxi tự nhiên, giúp ngăn chặn sự di chuyển của canxi vào tế bào. Theo một nghiên cứu trên động vật, trong bạc hà có chứa carvone hợp chất làm giảm sự co thắt mạch máu, có hiệu quả trong việc hạ huyết áp.
- Giảm stress oxy hóa
- Stress oxy hóa là hiện tượng xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các chất chống oxy hóa và các gốc tự do, trong đó sự gia tăng các gốc tự do quá cao đe dọa trực tiếp tới ADN và protein trong cơ thể, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người.
- Trong bạc hà có rất nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ như eugenol, limonene, anthocyanins, beta-carotene giúp chống lại các gốc tự do trong cơ thể, ngăn chặn tổn thương tế bào, làm chậm quá trình lão hóa và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như: ung thư, tim mạch, viêm khớp.
- Chống nhiễm trùng và giúp vết thương nhanh lành
- Tinh dầu trong bạc hà có đặc tính kháng khuẩn mạnh, các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng tinh dầu bạc hà làm giảm một số loại vi khuẩn thường thấy trong miệng và ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn sinh ra từ thực phẩm thông thường bao gồm E.coli, Listeria, Salmonella.
- Nhờ vào tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và giảm đau nên chiết xuất từ lá bạc hà còn giúp tăng cường tốc độ hồi phục và chữa lành vết thương.
Cách sử dụng bạc hà
- Cho tới thời điểm hiện tại, không có liều lượng khuyến cáo của bạc hà hoặc tinh dầu bạc hà khi sử dụng. Tuy nhiên, tùy vào mục đích điều trị khác nhau mà sử dụng với hàm lượng bạc hà phù hợp. Nếu sử dụng viên uống chứa tinh dầu bạc hà thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
- Bạn có thể uống bạc hà bất cứ lúc nào trong ngày, thông thường nên dùng sau bữa ăn để hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, bạc hà còn có nhiều chế phẩm dạng hít, dạng bôi lên da hoặc tinh dầu để xông tùy theo mục đích mà mình sẽ sử dụng khác nhau.
Tác dụng phụ khi sử dụng bạc hà
- Bạc hà và tinh dầu bạc hà sử dụng đường uống, đường thoa lên da, đường hít hầu như đều an toàn. Lá bạc hà có thể an toàn khi dùng đến 8 tuần. Ngoài ra, chưa có báo cáo nào rõ ràng về sự an toàn của việc sử dụng lá bạc hà trong hơn 8 tuần.
- Bạc hà có thể gây ra một số tác dụng phụ bao gồm: ợ chua, khô miệng, buồn nôn, nôn.