Hoàng liên là gì?
- Cây hoàng liên là thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, xuất hiện nhiều ở khu vực miền núi nước ta.
----------------------------------------------------
Thành phần hóa học
- Thân rễ hoàng liên chứa nhiều alcaloid (5 – 8%) trong đó chủ yếu là berberin, ngoài ra còn có worenin, coptisin, palmatin, jatrorrhizin, magnoflorin. Cả cây hoàng liên đều có alcaloid nhưng tỷ lệ trong các bộ phận của cây thay đổi theo các giai đoạn sinh trưởng và thời tiết. Vào khoảng tháng 9 – 10 ỏ thân rễ và rễ nhỏ có hàm lượng berberin cao. Ở lá già trước khi rụng, vào khoảng tháng 7 – 10 có hàm lượng alcaloid cao. ở hoa có khoảng 0,56% và hạt chứa 0,23% berberin.
- Ngoài alcaloid trong rễ hoàng liên còn có tinh bột, acid hữu cơ như acid ferulic. Cụ thể các chất hóa học có trong cây hoàng liên bao gồm:
- Alcaloid (7%)
- Coptisin
- Columbamin palmatin
- Magnoflorin worenin
- Jatrorrhizin
- Berberrubine
- Worenine
- Magnofoline
- Ferulic acid
- Obakunone
- Obakulactone
Tác dụng của Hoàng Liên
- Tính theo vị đông y: vị đắng, tính hàn, vào 5 kinh: tâm, can, đởm, vị và đại trường. Tác dụng tả hỏa, táo thấp, giải độc, chữa sốt, tả lỵ, tâm phiền, nôn ra máu, tiêu khát, đau mắt đỏ, loét miệng, ngộ độc do ba đậu, khinh phấn. Bệnh nhân huyết ít, khí hư, tỳ vị hư nhược, trẻ con lên đậu, đi tả cấm dùng.
- Theo y học hiện đại:
- Chữa lỵ, viêm ruột, ung nhọt, lở ngứa, miệng lưỡi lở, thổ huyết, chảy máu cam, trĩ. Dịch chiết Hoàng Liên nhỏ vào mắt chữa đau mắt đỏ.
- Ngăn cản sự phát triển của các loại vi khuẩn, chẳng hạn như: Shigella, liêu cầu khuẩn, vi khuẩn tụ cầu,... và một số bệnh về nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
- Điều trị ho gà, hạ huyết áp, ngăn ngừa tăng giãn mạch, phòng các bệnh về tim mạch chuyển hóa và đột quỵ.
- Tăng cường chức năng của mật, kích thích vỏ não khi sử dụng với liều lượng phù hợp.
- Chữa các chứng bệnh về đường tiêu hóa, chẳng hạn như kiết lỵ, tiêu chảy, đau bụng,...
- Tác dụng của cây hoàng liên trị mụn nhọt, nổi ngứa, mề đay, giải độc, thanh nhiệt.
- An thần, giảm căng thẳng, hay hồi hộp.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ Hoàng Liên
- Trị mắt đau đỏ, do phong nhiệt công lên: Hoàng liên 10g, địa hoàng 12g, cam cúc 10g, hoa kinh giới 8g, ngọn cam thảo 6g, xuyên khung 8g, sài hồ 8g, thuyền thoái 4g, mộc thông 8g. Sắc uống sáng và tối, ngày 1 tháng.
- Trị bệnh mắt, mắt có màng, thong manh: Bột hoàng liên 40g giã cùng 1 bộ gan dê đực, giã nhuyễn làm viên bằng hạt ngô đồng 0,3g. Mỗi lần uống 21 viên với nước ấm.
- Nước rửa mắt đau (rất công hiệu): Hoàng liên 10g, đương quy 10g, cam cúc hoa 8g. Sắc lấy nước, cho 1 ít phèn chua để dùng hàng ngày. Đun nóng ấm rửa mắt.
- Trị các loại trệ đọng, đi ngoài ra máu: Hoàng liên 12g, thược dược 10g, hạt sen 8g, biển đậu 10g, thăng ma 8g, cam thảo 4g, hoạt thạch 8g. Sắc uống trong ngày.
- Trị lỵ toàn máu, bụng đau: Hoàng liên 12g, hoa hoè 10g, chỉ xác 10g, nhũ hương 6g, một dược 8g. Sắc uống trong ngày.
- Trị các loại cam nhiệt của trẻ con: Hoàng liên 12g, ngũ cốc trùng 8g, lô hội 8g, bạch vu di 8g, thanh đại 10g, hoa bạch cẩn 8g, hoa phù dung trắng 8g. Sắc uống.
- Trị các loại trĩ rò: Hoàng liên và xích tiểu đậu lượng bằng nhau, giã nhuyễn thấm nước đắp lên chỗ trĩ.
- Trị tiết tả sau khi bị sởi nặng: Hoàng liên 12g, càn cát 10g, cam thảo 4g, thăng ma 10g, thược dược 10g. Sắc uống trong ngày.
- Trị miệng cam bị lở loét: Hoàng liên 12g, ngũ vị tử 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.
- Trị đái đường, đi tiểu nhiều: Hoàng liên 12g, mạch môn 8g, ngũ vị tử 6g. Sắc uống.
- Người già, phụ nữ mắc bệnh lỵ lâu khỏi: Hoàng liên 12g, nhân sâm 10g, hạt sen 10g. Sắc uống.
- Trị nhiệt lỵ, thanh nhiệt, bình can: Hoàng liên 30g, hoàng bá 30g, trần bì 20g, bạch đầu ông 30g. Sắc uống.
- Thuốc kích thích tiêu hoá ăn uống tốt: Bột hoàng liên 10g, bột đại hoàng 20g, bột quế chi 15g. Các vị trộn đều để dùng. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1g với nước ấm.
- Trị tổn thương do rượu: Hoàng liên 12g, ngũ vị tử 6g, mạch môn 8g, càn cát 8g. Sắc uống.
Lưu ý khi sử dụng Hoàng Liên
- Cây hoàng liên tuy là dược phẩm ít độc tố nhưng lại có dược tính tương đối mạnh nên được khuyên không nên sử dụng cho trẻ em, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Trước khi đưa hoàng liên vào làm vị thuốc sử dụng, người bệnh cần phân biệt chính xác cây hoàng liên để tránh nhầm lẫn với các loại cây khác.
- Một số đối tượng không nên sử dụng gồm: người bị khí hư, thiếu máu, tỳ vị yếu, mất ngủ hậu sản, phiền nhiệt táo khát, huyết hư gây sốt, thủy đậu ở trẻ em, tiêu chảy do dương hư, tỳ vị hư hàn, âm hư, nội nhiệt phiền táo, chân âm bất túc, hư tiết tả.
- Không đồng thời sử dụng cây hoàng liên với các nguyên liệu, dược liệu sau: thịt lợn, cúc hoa, cương tàm, huyền sâm, cây cỏ xước, nguyên hoa, bạch tiễn bì.
- Hoàng Liên là một cây thuốc quý, cần được nhân giống và bảo vệ ở Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu bảo tồn cây thuốc ở vùng Sapa, Viện Dược liệu đã bước đầu trồng được một số khóm hoàng liên (từ cây thu thập trong tự nhiên) dưới tán rừng tự nhiên, ở độ cao khoảng 1.800 m. Cây trồng bảo tồn có ra hoa, nhưng quả thường lép. Cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu để phát triển trồng cây thuốc quý này.